Tự do luân chuyển LĐ trong ASEAN: Bài toán giữ chân nhân sự cấp cao

Lê Tuyển-Thứ năm, ngày 05/09/2013 10:28 GMT+7

 Trong lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, các quốc gia thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Điều này giúp DN có cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực tốt tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc giữ chân nhân sự.

Đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp cận được nguồn nhân lực chất lượng. Song cũng đặt ra câu hỏi cho các doanh nghiệp Việt Nam là cần làm gì để giữ chân nhân sự tốt họ có hiện nay.

‘ Ảnh: VTV News


Theo tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, một nội dung mới được bổ sung đó là tự do di chuyển lao động. Trong Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân được các nước thành viên ký kết năm 2012 có ghi: "Các quốc gia cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, hướng tới tự do hóa lao động có kỹ năng trong ASEAN".

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: "Trong lĩnh vực lao động, với việc công nhận lẫn nhau về tay nghề sẽ tạo điều kiện cho việc di chuyển lao động trong Cộng đồng ASEAN".

Như vậy, trong một cộng đồng gồm 600 triệu dân, các nhân sự có chuyên môn cao có thể tự do luân chuyển công việc từ quốc gia này tới bất kỳ quốc gia nào khác trong khối. Đó sẽ là những nhân sự như kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, bác sĩ, nhạc sĩ...

Với những rào cản thủ tục hành chính gần như bằng 0 như vậy sẽ có khả năng nhiều nhân sự cấp cao có kinh nghiệm và chuyên môn tốt sẽ tìm đến các doanh nghiệp lớn, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Tổng Giám đốc Công ty Navigossearch cho biết: "Với tư cách là một công ty cung cấp nhân lực cấp cao tại Việt Nam, theo tôi việc này giúp bổ sung vào nguồn nhân lực Việt Nam một số lượng nhân sự có tay nghề cao. Hiện nguồn nhân lực cấp cao Việt Nam cung chưa đáp ứng đủ cùng và việc này sẽ nghiêm trọng hơn khi kinh tế phát triển".

Tuy nhiên, xét ở chiều ngược lại, các nhân sự tốt ở Việt Nam cũng có thể rời doanh nghiệp để sang một quốc gia khác tìm việc làm có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn. Lúc này, chiến lược hoạt động hay chính sách đãi ngộ lại là yếu tố then chốt giúp giữ chân nhân sự.

Cho đến nay ASEAN đã thực hiện miễn thị thực cho công dân các quốc gia thành viên đi lại trong khối. Trong tương lai không xa cùng sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN, người lao động có thể tự do luân chuyển công việc. Đối với doanh nghiệp, cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực tốt, có chất lượng là không hề nhỏ. Song thách thức trong việc xây dựng chiến lược quản lý và giữ chân nhân sự để tránh dẫn tới hiện tượng "chảy máu chất xám" lại lớn hơn rất nhiều

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước