Tương lai nào cho thương hiệu Việt?

Quỳnh Như-Thứ sáu, ngày 14/06/2013 15:35 GMT+7

Sản phẩm của Bibica. Ảnh: dddn

 Hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng một thời của Việt Nam đã bị biến mất, rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại. Một làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp Việt đã có tên tuổi đang dấy lên e ngại về tương lai, số phận của thương hiệu Việt.  

Năm 2007, Lotte - Tập đoàn của Hàn Quốc đưa ra lời mời hợp tác đầu tư có giá trị 15 triệu USD đối với công ty Bibica. Quá hấp dẫn, Bibica đã đồng ý bán lại 38% cổ phần. Nghiễm nhiên, Lotte trở thành cổ đông chiến lược. Rất nhiều kỳ vọng đã được đưa ra như một hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, thế nhưng 5 năm đã qua, tất cả kỳ vọng ban đầu đều không đạt được.

Sản phẩm Lotte Pie là sản phẩm duy nhất minh chứng cho sự hợp tác giữa Lotte và Bibica. Tuy nhiên, đại diện Bibica thừa nhận, sản phẩm này cũng không thành công như mong đợi khi năng suất chỉ bằng 15-20% công suất sản xuất và doanh số đến nay chỉ bằng 1/3 mức vốn đầu tư ban đầu là 200 tỷ đồng. Mâu thuẫn giữa Bibica và Lotte lên tới đỉnh điểm là trong Đại hội cổ đông năm 2012, Lotte đòi đổi tên công ty thành Lotte-Bibica.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc CTCP Bibica bức xúc: “Tôi có thể rút ra bài học và chia sẻ lại cho các doanh nghiệp khác khi chọn đối tác là: Khi bán cổ phần cho đối tác đầu tư, doanh nghiệp thường chỉ yêu cầu cổ phần tối thiểu mà không quy định cổ phần tối đa, do đó trong trường hợp tại Bibica, Lotte có thể tăng tỷ lệ cổ phần theo mong muốn của họ…”.

Trước sự phản đối quyết liệt của các cổ đông Việt Nam, Lotte hiện từ bỏ ý định đổi tên Bibica thành Lotte Bibica, giúp cho Bibica giữ được thương hiệu.

Không chỉ Bibica mà nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng liên tục nhận được những lời chào mời hấp dẫn từ các đối tác nước ngoài, công ty Mỹ Hảo là một ví dụ.

36 triệu USD để mua lại thương hiệu, 50-60 triệu USD mua lại công ty, hoặc không thì mua lại 20-30% cổ phần… những lời chào mời kiểu như vậy liên tục được gửi đến, nhưng lãnh đạo DN nhất định bảo vệ bằng được phương châm kinh doanh cũng như thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc CTCP Hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết: “Doanh nghiệp cũng tồn tại trong nhiều năm, khó khăn, thuận lợi mình cũng vượt qua rất nhiều, nếu bán đi và doanh nghiệp nào cũng bán thì trong tương lai, nước ta chỉ còn nhãn hiệu nước ngoài, không có nhãn hiệu Việt nữa”.

Việc không hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài cũng khiến Mỹ Hảo gặp không ít khó khăn, sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, P&G hay Unza đã khiến Mỹ Hảo giảm tới 70% thị phần. Tuy nhiên, bán cổ phần để rồi để mất quyền kiểm soát, mất thương hiệu như trường hợp của Bibica thì quả là rất đáng suy ngẫm.

Người Việt Nam sẽ chẳng còn được nhìn thấy thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan nổi tiếng một thời ngay sau khi Colgate Pamolive mua lại 70% cổ phần, làn sóng thâu tóm doanh nghiệp Việt đang khiến không í người lo ngại. Thương hiệu của doanh nghiệp đôi khi cũng là niềm tự hào của một quốc gia.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước