Vận động viên thể thao điện tử: Nghề của thời đại 4.0 với thu nhập không hề nhỏ

Trịnh Huyền-Thứ ba, ngày 13/04/2021 19:44 GMT+7

VTV.vn - Vận động viên thể thao điện tử lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Những vận động viên danh tiếng và tài năng thậm chí có giá trị "chuyển nhượng" lên đến hàng tỉ đồng.

Nhiều nguồn thu nhập cho vận động viên thể thao điện tử

Đang làm công việc thợ cắt tóc với mức lương từ 3 đến 10 triệu/tháng, 3 năm trước, anh Nguyễn Hoành Mạnh chơi trò chơi Free Fire những lúc rảnh rỗi. Nhờ năng khiếu và sự siêng năng luyện tập, anh liên tục lọt top đầu trong danh sách những game thủ chơi giỏi trò chơi này. Sau đó, anh Mạnh chiến thắng 1 cuộc thi Thể thao điện tử trò chơi này. 

Vận động viên thể thao điện tử: Nghề của thời đại 4.0 với thu nhập không hề nhỏ - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hoành Mạnh - Đội trưởng Đội Tuyển HQ Esports - Bộ môn thể thao điện tử Free Fire

Nhận thấy mình có năng lực với mảng này và tiềm năng của ngành này, anh Mạnh lựa chọn con đường trở thành vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp. Anh gia nhập vào Đội tuyển HQ Esports - Bộ môn thể thao điện tử Free Fire. Đội tuyển được đào tạo tập trung tại Nhà đào tạo (Gaming House), được công ty trả lương và được huấn luyện trọn vẹn từ dinh dưỡng, thể lực đến chiến thuật chơi game. Đồng thời, trang thiết bị luyện tập bộ môn Free Fire thi đấu trên điện thoại di động, cũng được công ty quản lý cung cấp tuỳ thuộc từng mẫu điện thoại mà các giải đấu yêu cầu. Anh Nguyễn Hoành Mạnh - Đội trưởng Đội Tuyển HQ Esports - Bộ môn thể thao điện tử Free Fire chia sẻ: "Mới đầu mình chơi game cũng chả mất đồng nào, mình chỉ chơi cho vui. Mình trên game là một người giản dị nên cũng không mất tiền trang bị gì cả. Sau đó, mỗi lần đấu giải, mình còn được thêm tiền. Sau khi mình theo con đường thi đấu chuyên nghiệp mình đã có thu nhập từ CLB đầu tư cho mình và những phần thưởng rất lớn, mình cảm thấy có tương lai hơn nghề truyền thống như cắt tóc của mình hồi xưa".

Câu lạc bộ của anh Mạnh đang trả lương cho các thành viên đội tuyển trong khoảng 10-15 triệu đồng/tháng và bao trọn gói toàn bộ kinh phí ăn ở, luyện tập. Nhưng đó chưa phải là tất cả, khi mà mỗi giải thi đấu trong nước, đội chiến thắng sẽ được thưởng lên đến vài trăm triệu đồng. Còn những giải quốc tế, giá trị giải thưởng thậm chí lên đến vài trăm nghìn USD, tương đương với hàng tỉ đồng. Thành viên của đội tuyển sẽ được chia khoản thưởng này. 

Ngoài ra, anh Mạnh còn có nguồn thu nhập từ việc làm streamer, YouTuber, khi anh quay các clip chia sẻ cách chơi hiệu quả cho các bạn trẻ khác. Cùng với đó, là những cơ hội trở thành đại diện truyền thông hình ảnh, quảng bá cho các thương hiệu, nhãn hàng. 

Tiềm năng đầu tư thể thao điện tử

Theo ông Đỗ Văn Toản, Quản lý Đội tuyển HQ Esports - Bộ môn thể thao điện tử Free Fire, đầu tư cho E-sports khá là tốn kém, riêng khâu tuyển chọn nhân lực cũng diễn ra trên diện rộng, mức lương trả cho các vận động viên tuỳ theo tiềm năng, năng lực và danh tiếng của các bạn. 

Còn công ty cổ phần Appota, đơn vị chuyên tổ chức các giải đấu E-Sports, cung cấp dịch vụ tư vấn về E - Sports tại Việt Nam cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhận thấy sự đầu tư về lĩnh vực thể thao điện tử tăng mạnh khoảng 2 năm gần đây. Các suất đầu tư đa dạng từ công ty sự kiện tổ chức các giải đấu, đội tuyển thi đấu, truyền thông hình ảnh thương hiệu cầu thủ. Theo ông Bùi Huy Bình, Team leader Dự án E-sports Công ty cổ phần Appota: "Nếu như khoảng từ năm 2019 trở về trước, những dự án đầu tư cho Thể thao điện tử Việt Nam chỉ dè dặt, ở mức chục nghìn USD mỗi dự án, thì nay, giá trị mỗi thương vụ đầu tư lên đến hàng trăm nghìn USD".

Vận động viên thể thao điện tử: Nghề của thời đại 4.0 với thu nhập không hề nhỏ - Ảnh 2.
Vận động viên thể thao điện tử: Nghề của thời đại 4.0 với thu nhập không hề nhỏ - Ảnh 3.

Ông Đỗ Việt Hùng - Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam

Theo Hội thể thao điện tử Việt Nam, mỗi bộ môn thể thao điện tử sẽ có sự đầu tư khác nhau, từ 1 tỷ đến thậm chí vài chục tỉ đồng/năm cho một môn. Những môn phổ biến, nhiều người chơi, có nhiều vận động viên tên tuổi thì sẽ cần đầu tư nhiều hơn những môn mới. Các vận động viên thể thao điện tử hoàn toàn có thể được mua bán, chuyển nhượng giống như các cầu thủ bóng đá, hay các vận động viên thể thao các bộ môn truyền thống vậy. Ông Đỗ Việt Hùng - Tổng thư ký Hội thể thao điện tử Việt Nam cho biết: "So với các môn thể thao truyền thống, suất đầu tư của thể thao điện tử cũng ở 1 con số khiêm tốn. 1 đội tuyển ở quy mô tương đối, so với thể thao truyền thống, quy mô khoảng 25-30%. Tuy nhiên, tiềm năng của thể thao điện tử Việt Nam còn rất lớn".

Tiềm năng ấy được thể hiện rõ nét khi bối cảnh đại dịch COVID-19 đã khiến lượng người xem các sự kiện thể thao quốc tế bị sụt giảm mạnh, kéo theo đó là việc mất đi các khoản tài trợ lớn. Tuy nhiên, các sự kiện thể thao điện tử E-Sports, thậm chí nhận một sự tăng trưởng vượt bậc trong tài trợ nhờ giãn cách xã hội. Ví dụ rõ nét nhất chính là Giải vô địch thế giới Liên minh huyền thoại diễn ra hồi cuối năm ngoái tại Thượng Hải, Trung Quốc. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhiều người dân phải ở nhà, hơn 200 triệu người hâm mộ trên toàn cầu đã đăng nhập để theo dõi giải đấu trực tuyến. Số lượng đông đảo người hâm mộ đã kéo theo sự chú ý của nhiều thương hiệu lớn. Nhờ đó, giải đấu lần này đã thu hút được 15 nhà tài trợ, cao gấp 4 lần so với giải đấu được tổ chức cũng tại Trung Quốc hồi năm 2017. 

Vận động viên thể thao điện tử: Nghề của thời đại 4.0 với thu nhập không hề nhỏ - Ảnh 4.

Định hướng phát triển thể thao điện tử

Theo Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, một trò chơi điện tử được coi là một bộ môn thể thao điện tử cần đáp ứng được những yêu cầu như về tính cân bằng - không có một lợi thế tuyệt đối nào làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các người tham gia, nói cách khác trong E - Sports, người chơi chỉ có thể chiến thắng dựa vào kỹ năng.

Tính thi đấu là yếu tố quan trọng để quyết định một tựa trò chơi có phải là bộ môn thể thao điện tử hay không, E-Sports cần có một nền tảng kỹ thuật đáp ứng được việc tổ chức thi đấu, có thể tạo ra các trận đấu giữa các đối thủ, tùy chỉnh về chế độ thi đấu, thời gian, điều kiện phân thắng bại.Ngoài ra, thể thao điện tử còn cần có chế độ theo dõi để khán giả và trọng tài giám sát các hoạt động bên trong trận đấu.

Việc định danh rõ ràng thể thao điện tử và trò chơi điện tử là yếu tố then chốt để phát triển bộ môn thể thao mới mẻ này bởi với quan niệm cũ của đa số mọi người, những trò chơi trên nền tảng máy vi tính hoặc điện thoại thông minh chỉ đơn thuần là game giải trí. Tuy nhiên, nếu hiểu một cách đúng đắn, thể thao điện tử nếu được phát triển một cách đúng hướng và chuyên nghiệp cũng là một nghề như bao nhiêu nghề khác. Đây là một nghề của thời đại 4.0, mở ra nhiều cơ hội thu nhập tốt cho các bạn trẻ có năng khiếu và siêng năng luyện tập bộ môn này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước