Vì sao giá gia cầm tăng đột ngột?

-Chủ nhật, ngày 13/01/2013 12:00 GMT+7

Giá gia cầm tăng cao trong khi sức mua không lớn. (Ảnh: Internet)

Một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng những ngày qua, tại không ít địa phương nhiều mặt hàng đã rục rịch tăng giá. Tăng đến mức chóng mặt là giá gia cầm, liên tục từ đầu năm đến nay, nhiều sản phẩm gia cầm có giá bán tăng thêm 10 - 15%.

Giá gia cầm tăng, nông dân chăn nuôi bớt một phần khó khăn, tuy nhiên, ở một góc độ khác, giá gia cầm tăng quá cao thực sự làm người tiêu dùng lo lắng. Đằng sau giá gia cầm tăng, liệu có phải do thiếu hụt gia cầm? liệu người chăn nuôi có thực sự được lợi?.

Tại tỉnh Khánh Hòa, đã hai tuần nay các sản phẩm gia cầm tăng giá hàng ngày. So với thời điểm đầu năm, giá trứng gà tăng thêm 10 nghìn đồng/chục, giá thịt gà, thịt vịt cũng tăng thêm 10 - 15 nghìn đồng/kg.

Các chợ bán lẻ tại tỉnh Khánh Hòa, giá gia cầm hiện ở mức khó mà người tiêu dùng có thể chấp nhận. Một kg thịt gà không dưới 120 ngàn đồng, so với thu nhập của người lao động khoảng 3 triệu đồng/tháng đã khó có thể quyết định chi mua.

Không chỉ gặp khó do sức mua giảm sút mà ngay cả trong việc mua bán, những người kinh doanh sản phẩm gia cầm cũng gặp lúng túng bởi không biết phải điều chỉnh cách mua bán thế nào khi giá liên tục thay đổi.

Bà Trần Thị Tuyết Nhung, tiểu thương chợ Xóm Mới, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Người mua bán nhỏ lẻ hay lớn cũng đều cảm thấy bất an vì giá gà thay đổi từng ngày, từng giờ. Tôi cảm thấy hoảng vì vừa mới báo giá gà xong giá lại nhảy vọt, không biết trả lời sao với người mua, giá gà tăng không hiểu vì lý do gì.

Chuyện gia cầm tăng giá trong những ngày qua, theo nhiều người là điều bất ngờ. Bất ngờ vì lẽ hiện tại chưa phải là thời điểm tăng cao về sức mua. Về vấn đề này, Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tình hình chăn nuôi ổn định những tháng qua giúp cho tỉnh này có khả năng cân đối cung cầu trên thị trường gia cầm.

Còn theo các đầu mối cung ứng gia cầm, sở dĩ gia cầm tăng giá là do những ngày qua, nhiều người đến các tỉnh miền Trung mua gom gia cầm vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Điều này đẩy thị trường gia cầm ở những tỉnh như Khánh Hòa rơi vào cơn sốt ảo và giá gia cầm tăng lên cũng khó xác định bắt đầu từ đâu.

Bà Nguyễn Thị Thu, một tiểu thương khác cho biết: "Một phần vừa rồi hủy gà thảo loại, phía Bắc hút gà nên người ta mua vét, thị trường cung cấp không đủ".

Còn theo ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa: "Thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, lợi nhuận, giá cả chứ không chỉ do người chăn nuôi. Người chăn nuôi bao giờ cũng cố gắng có được sản phẩm có giá thành thấp nhất nhưng đâu chỉ có họ mới quyết định giá cả, còn phụ thuộc nhiều yếu tố lắm".

Như vậy, gia cầm tăng giá không phải là do thiếu hụt khả năng cung ứng ở các vùng chăn nuôi mà chủ yếu từ khâu điều tiết thị trường. Số gia cầm khi đưa đến các chợ ở thành phố như thế này trải qua nhiều khâu, nhiều chặng.

Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên cách bán gia cầm thường được nông dân miền Trung bán cho những người mua gom. Những người mua gom lại chuyển về các vựa thu mua, sau đó đến các điểm giết mổ. Thịt gia cầm từ điểm giết mổ khi đến tay người tiêu dùng cũng phải qua nhiều người trung gian.

Bà Võ Thị Minh Thư, người mua bán gia cầm, TP Nha Trang chia sẻ: "Gần Tết, giá tại nơi chăn nuôi là 85 nghìn đồng/kg. Về đây thì lên 100 - 110 ngàn đồng, do chi phí vận chuyển".

Giá sản phẩm gia cầm cao mà người tiêu dùng cũng phải chịu trong khi giá gia cầm mà nông dân bán ra chỉ ở mức tương đối. Đang có sự chênh lệch khá lớn giữa hai mức giá này.

Như vậy, giá gia cầm tăng đến chóng mặt như hiện nay, thu nhập của nông dân chăn nuôi có cải thiện, song mức cải thiện không đáng kể. Điều mà người tiêu dùng lo ngại là với đà tăng giá này, liệu những ngày Tết sắp đến, có đủ tiền để mà mua gia cầm trong khi đồng tiền còn phải chia cho nhiều nhu cầu tiêu dùng khác trong ngày Tết hay không.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước