Việt Nam "đón sóng" chuyển dịch nhà máy hậu COVID-19

QA-Thứ bảy, ngày 23/05/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhà máy, tập đoàn công nghiệp đang đua nhau chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.

Ngày 22/5, Nikkei Asian Review cho biết Panasonic sẽ tạm ngừng nhà máy sản xuất đồ gia dụng ở ngoại ô Bangkok Thái Lan, để chuyển sang cơ sở mới tại Việt Nam nhằm tăng hiệu suất. Hiện Panasonic có 8.000 nhân viên tại Việt Nam. 

Ngoài các thiết bị lớn, những đơn vị địa phương tại Việt Nam của hãng còn sản xuất TV, điện thoại bàn không dây, thiết bị thanh toán thẻ và các thiết bị công nghiệp.

Việt Nam đón sóng chuyển dịch nhà máy hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Panasonic chuyển cơ sở sản xuất mới từ Thái Lan sang Việt Nam nhằm tăng hiệu suất.

"Đây là một trong những kế hoạch tái cấu trúc trong dây chuyền sản xuất của chúng tôi. Sản xuất và cung cấp sản phẩm từ Việt Nam đến các thị trường đơn lẻ sẽ thuận lợi hơn so với việc tiếp tục sản xuất tại Thái Lan. Từ đó, chúng tôi có thể đem lại các sản phẩm có tính cạnh tranh hơn tới người tiêu dùng", ông Marukawa, Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho hay.

Ông Marukawa cũng nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại khu vực, với mức tăng trưởng GDP ổn định, dân số trẻ và vô cùng năng động. Việt Nam đang ở trong vị trí cực kỳ thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch nhà máy và dây chuyền sản xuất.

Việt Nam đón sóng chuyển dịch nhà máy hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Chiếc hộp sạc AirPods Pro với dòng chữ "Assembled in Vietnam".

Không chỉ Panasonic, Apple, Nintendo và Samsung cùng một số nhà cung cấp linh kiện ở Châu Á đã chuyển một số dây chuyền sản xuất hoặc lắp ráp sang Việt Nam. Việc Việt Nam phản ứng nhanh khi đại dịch COVID-19 bùng nổ cùng với 271 ca lây nhiễm và không có ca tử vong cũng khiến nhiều nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào thị trường.

Theo thống kê mới đây của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn số 1 tại Đông Nam Á để là nơi sản xuất, là nguồn cung ứng, hay địa điểm cho dịch vụ hậu mãi. Tuy nhiên, tinh thần dịch chuyển sẽ là từng dây chuyền sản xuất phù hợp chứ không phải toàn bộ.

"Chúng tôi nhận thấy được làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Nhiều công ty đang cân nhắc và tìm hiểu xem dây chuyền nào sẽ phù hợp để chuyển sang. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là điểm đến tiềm năng về mặt sản xuất, thị trường hay mua sắm công", Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản cho biết.

Việt Nam đón sóng chuyển dịch nhà máy hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Sau dịch COVID-19, các công ty nước ngoài nhận thấy cần đa dạng hoá việc đầu tư tại nhiều quốc gia.

"Nhưng so với Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về nhiều lĩnh vực như giao thông, logistics... Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng nổ, các công ty Nhật nhận thấy việc đầu tư và sản xuất tại một quốc gia là vô cùng mạo hiểm. Họ đang cân nhắc đa dạng hoá việc đầu tư tại nhiều quốc gia", ông Nakajima nói thêm.

Theo các chuyên gia, để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác, và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn thì chúng ta cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hiệu quả logistics cũng như quản lý chuỗi cung ứng. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước