"Việt Nam nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng"

Hải Nam - Tiến Lâm (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ tư, ngày 14/06/2017 08:53 GMT+7

VTV.vn - Theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nếu Việt Nam cố để đạt được tăng trưởng 6,7% thì có thể tăng rủi ro trong nền kinh tế.

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới được công bố hồi đầu tháng 6, mức tăng trưởng GDP trong năm 2017 của Việt Nam được dự báo là 6,3%, thấp hơn mức 6,7% mục tiêu của Chính phủ. 

Để hiểu rõ hơn về những cơ sở của dự báo tăng trưởng mà Ngân hàng Thế giới đưa ra với Việt Nam, phóng viên Đài THVN đã có cuộc phỏng vấn với ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Xin ông cho biết những cơ sở để Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 là 6,3%?

- Tăng trưởng của Việt Nam ở quý I năm nay chỉ ở mức 5,1%. Nhìn sâu hơn vào vấn đề này, bạn sẽ thấy có một sự sụt giảm rõ rệt trong sản xuất công nghiệp mà nguyên nhân chủ yếu là sụt giảm trong ngành khai khoáng, nhất là khai thác dầu.

Nhưng mặt khác, những lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác trong đó có ngành chế biến thì lại tăng trưởng tốt. Các ngành dịch vụ cũng phát triển với mức tăng khoảng 6,5% phần lớn là nhờ nhu cầu trong nước lớn và lĩnh vực bán lẻ bùng nổ trong quý I. Xem xét tất cả những yếu tố đó và viễn cảnh kinh tế nửa cuối năm nay, chúng tôi nghĩ mức tăng GDP 6,3% là một mức dự báo phù hợp với thực tế.

Trên thực tế, mức tăng GDP 6,3% và 6,7% có khác nhau nhiều không?

- Về mặt chỉ số, không có sự khác nhau quá lớn giữa hai mức 6,3 và 6,7% nhưng cần lưu ý rằng mức 6,7% là mục tiêu của Chính phủ đề ra để hoạch định chính sách, còn mức 6,3% chỉ là dự báo của Ngân hàng Thế giới dựa trên các số liệu và xu hướng trong nền kinh tế. Tôi nghĩ cứ tăng trưởng trên 6% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay là đã thể hiện kết quả rất khả quan. Việt Nam nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng hơn là cố để đạt được con số 6,7% vì điều đó có thể tăng rủi ro trong nền kinh tế. Việc đảm bảo mức tăng trưởng bền vững vẫn quan trọng hơn. Thứ nhất, Việt Nam đang có mức thâm hụt tài khóa cao và nợ công cũng đang tăng nhanh trong các năm vừa qua. Thứ hai, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến nợ xấu. Dù đã có một số biện pháp để giải quyết vấn đề này nhưng chưa có nhiều hiệu quả.

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Việt Nam đang gặp phải những thách thức nào và Việt Nam có thể làm gì để vượt qua các thách thức đó?

- Tôi nghĩ cần tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nghĩa là phải đảm bảo các chính sách tài khóa, tiền tệ và tỷ giá có thể đảm bảo sự ổn định, điều chỉnh tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế và giữ tỷ giá linh hoạt trước những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Để có thể tăng trưởng cao hơn, Việt Nam cần tiếp tục cải cách trong khối doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và sở hữu để tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp dù họ thuộc thành phần kinh tế nào. Việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân cũng rất quan trọng, không chỉ là hỗ trợ thành lập nhiều doanh nghiệp mà còn phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, năng suất được tiếp cận với vốn, đất đai, lao động cũng như xây dựng hệ thống pháp luật ổn định, minh bạch, công bằng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước