Việt Nam vững tin bước vào mùa xuân đổi mới thứ 30

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 09/02/2016 00:12 GMT+7

Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội Đảng (Ảnh: VTV News)

VTV.vn - Đất nước Việt Nam đã bước vào mùa xuân đổi mới thứ 30 đầy vững tin trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế.

Đất nước đã bước vào mùa xuân đổi mới thứ 30 - thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới trong tiến trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Nếu không tiếp nối hoặc có thêm những cải cách mới, đất nước sẽ không thể tận dụng được cơ hội về mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư và bị thua thiệt khi thị trường trong nước được mở cửa. Do đó, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội để phát triển nhanh và bền vững.

Làn gió đổi mới trong 30 năm qua đã thực sự mang đến nguồn cảm hứng sáng tạo và làm việc cho mọi người dân và đất nước. Khi động lực của lần đổi mới trước đây được cho là không còn nhiều và phù hợp với tiến trình hội nhập sâu rộng, những kỳ vọng đổi mới ngay trong ngày đầu năm mới Bính Thân 2016 trở nên ý nghĩa và thiết thực, tạo thêm những động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong nhiệm kỳ mới.


GS.TSKH Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. (Ảnh: VPG)

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. (Ảnh: VPG)

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: "Để có một công cuộc đổi mới, cần hội tụ 3 yếu tố: áp lực đổi mới, tiền đề kiến tạo và quyết tâm, tầm nhìn của các nhà lãnh đạo. Hiện Việt Nam có một yếu tố rất quan trọng là tiền đề kiến tạo với 30 năm đổi mới, có những điều kiện vật chất, cơ sở về kinh nghiệm và quan hệ quốc tế. Chưa bao giờ Việt Nam lại có mối quan hệ quốc tế sau rộng như hiện nay.

Trong quá trình hội nhập sâu với quốc tế, nước ta không thể tiến hành chỉ với những kinh nghiệm đã có mà cần vươn tới một tầm cao mới. Đặc biệt, Việt Nam nhận được niềm tin và kỳ vọng của người dân vào ban lãnh đạo mới được bầu trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Phần lớn các lãnh đạo trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt lãnh đạo Bộ Chính trị, đều đã kinh qua các vị trí chủ chốt trong thời điểm bứt phá của giai đoạn 30 năm đổi mới, có trình độ học vấn cao.

30 năm trước, Việt Nam dường như trải qua một sự "vùng lên" trong bối cảnh chưa hiểu rõ về thế giới; nước ta còn có những điều ngộ nhận về bản thân mình. Hiện nay, chúng ta hiểu rất rõ thế mạnh cũng như điểm yếu của mình. Vị thế quốc tế của Việt Nam hiện nay đang được đánh giá cao. Chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, một siêu cường quốc như Mỹ đã chấp nhận hệ thống chính trị của Việt Nam, điều mà cách đây 30 năm chưa có được. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là thuận lợi, qua đó Việt Nam nhận thức, sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ không thể trông chờ vào những cử chỉ ngoại giao hay thái độ mềm dẻo mà phải có thực lực. Do đó, bứt phá vươn lên để trở thành một quốc gia hùng mạnh là một áp lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vươn tới đỉnh cao mới trong sự nghiệp đổi mới này.

Đến nay, rõ ràng nước ta đang rất cần một thiết chế tổng thể. Theo đó, đổi mới kinh tế là việc rất căn bản, nhưng đổi mới chính trị, thiết chế để xã hội phát triển hài hòa đang đặt ra những yêu cầu rất bức xúc. Chúng ta cần một hệ thống chính trị nơi tất cả người dân đều hào hứng làm việc, người tài sẵn sàng cống hiến, có thể huy động được mọi nguồn lực của đất nước và tận dụng thời cơ quốc tế. Trước mắt, cần tăng cường hơn nữa việc khắc phục hạn chế về tính yếu giám sát và phản biện của hệ thống hiện nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn lạc hậu về lý luận. Do đó, cần có sự phân biệt giữa tính kiên định lập trường với một bên là sự thủ cựu, tự bó hẹp trong một hệ thống lý luận nghèo nàn. Việt Nam cần làm tập trung suy nghĩ, có những giải pháp thỏa đáng trong việc làm giàu lý luận của mình bằng các hệ thống lý luận khác nhau để đạt mục tiêu đưa dân tộc đi lên”.

Cách đây 30 năm, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng đã chỉ rõ, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp Cách mạng, là vấn đề mang tính sống còn. Sau 30 năm, trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trình bày, cụm từ “đổi mới” đã hơn 50 lần được nhắc đến. Lịch sử của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, bất cứ sự nghiệp nào khi nhận được sự quyết tâm thực sự của cả một hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, sự nghiệp ấy ắt sẽ thành công.

Đổi mới thể chế kinh tế thời kỳ hội nhập Đổi mới thể chế kinh tế thời kỳ hội nhập

VTV.vn - Thay vì chỉ coi trọng khối kinh tế nhà nước, giờ đây, khối kinh tế tư nhân cũng được xem là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước