(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo đó, khoảng 600 nguồn phóng xạ lớn trên toàn quốc sẽ được gắn thiết bị giám sát an ninh. Việc theo dõi này sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát hoạt động, vị trí nguồn phóng xạ... Khi xảy ra sự cố, thiết bị sẽ cảnh báo để chủ cơ sở sử dụng, các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp xử lý để giảm rủi ro, thiệt hại.

Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị giám sát giúp kiểm soát và quản lý các nguồn phóng xạ theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học và công nghệ.

Sau hai năm thực hiện, từ tháng 10-2014 đến nay, nhóm thực hiện đề tài "Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực" của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tạo ra sản phẩm là hệ thống quản lý và giám sát nguồn phóng xạ di động mang tên BKRAD. Thiết bị do Đại học Bách khoa tạo ra có giá hơn 30 triệu đồng, bằng một nửa so với sản phẩm có tính năng tương đương từ nước ngoài.

Với chức năng cảm biến - truyền thông - cảnh báo, hệ thống BKRAD giúp người dùng giám sát từ xa nhanh nhất về vị trí cũng như trạng thái hoạt động của nguồn phóng xạ. Việc giám sát có thể thực hiện qua Internet hoặc điện thoại thông minh. Khi nguồn phóng xạ hoạt động hoặc di chuyển, BKRAD sẽ gửi dữ liệu trực tuyến về trung tâm theo dõi với chu kỳ 30 giây/lần.

Nếu nguồn phóng xạ không hoạt động, BKRAD sẽ tự động chuyển về chế độ tiết kiệm năng lượng và gửi dữ liệu 60 phút/lần. Khi nguồn phóng xạ lưu kho, BKRAD sẽ gửi dữ liệu 10 tiếng/lần. Bên cạnh đó, nó còn giúp tìm kiếm nguồn phóng xạ bị đánh cắp hoặc thất lạc./.

BL