Với cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến, giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cái Chiên, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh), cảnh thiếu điện đã trở nên quá quen thuộc. “Giáo viên chúng tôi hễ thấy có điện là phải tranh thủ sạc máy tính để còn soạn giáo án, vào mạng tải hình ảnh, video minh họa giúp học trò dễ dàng tiếp thu. Nhưng thương nhất vẫn là học trò, do thiếu điện nên phải học dưới ngọn đèn leo lét. Những ngày mùa đông có khi chỉ 4 giờ chiều, cô trò trong lớp đã không nhìn rõ mặt nhau” - nhà giáo sinh năm 1987 nói.

 

Cô giáo Phạm Thị Nhung cùng học trò xã đảo Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) - Ảnh: NVCC

Còn với cô Hoàng Thị Thắm, trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba, kỷ niệm về ngày đầu đặt chân lên đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) là sự thiếu thốn trăm bề: “Ngày 1/1/2008, tôi nhận quyết định ra đảo công tác. Lúc đó, trong tôi cảm xúc rất lẫn lộn. Vui vì mình được làm công việc yêu thích, lo vì phải xa nhà, ở nơi không có người thân. Ngày đầu bước chân ra đảo, ấn tượng sâu đậm nhất là những đứa trẻ ngây ngô chưa quen lớp, quen trường. Nếu như ở đất liền, trường lớp khang trang thì ở nơi này còn rất hoang sơ, chỉ mới có duy nhất một lớp học, không có đồ dùng, đồ chơi và là lớp ghép nhiều độ tuổi từ 1 đến 5”.

Ở thời điểm cô Thắm ra đảo Cồn Cỏ công tác, điện chỉ có 5 tiếng vào buổi tối nên việc cập nhật thông tin rất hạn chế. Nước sinh hoạt cũng rất thiếu thốn, chỉ trông chờ vào nước mưa, mà có khi vài tháng trời không có lấy một giọt. Cái suy nghĩ “đôi lúc muốn bỏ nơi này để vào đất liền” với cô giáo trẻ như cô Thắm là chia sẻ thật lòng, không thể tránh khỏi, nhưng suy nghĩ ấy đã nhanh chóng bị lấn át bởi tình yêu trẻ khi “thấy chúng quá thiệt thòi so với những bạn đồng trang lứa nơi đất liền, nên tôi tự nhủ mình phải cố gắng bù đắp cho các con”.

Thiếu thốn, vất vả là thế, nhưng với các thầy cô quyết tâm gắn bó với đảo nhỏ không gì đáng sợ bằng việc học trò bỏ học, thất học. Gần 20 năm gắn bó với học sinh xã đảo nghèo Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), điều mà cô giáo Phạm Thị Nhung vui mừng hơn cả là phụ huynh ở nơi này đã ngày càng quan tâm đến việc học của con cái, thay vì cho rằng “chữ không ăn được” như trước đây.

Ở Khánh Bình Tây, phần lớn gia đình các em đều nghèo. Không chỉ thiếu thốn về sách vở, quần áo đến trường, nhiều học sinh còn ăn không đủ no, có em đến lớp lả đi vì đói. Thầy cô phải mua nước đường, nấu mì tôm cho các em ăn tạm, cầm hơi, lấy sức trước khi dạy chữ. Cũng vì thế mà nhiều phụ huynh muốn con cái ở nhà phụ giúp cha mẹ kiếm sống thay vì đến trường.

“Ngày trước, đường sá không có, tôi và đồng nghiệp phải men theo bờ sậy để đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em đi học. Chúng tôi cứ đùa với nhau là công tác ở nơi này, cả năm không hư đôi dép vì chẳng bao giờ phải mang dép cả” - cô Nhung xúc động kể lại.

 

Các giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo được tuyên dương
tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2016 - Ảnh: Minh Châu

Vất vả, nhọc nhằn là thế, nhưng cô giáo Nhung chưa từng nghĩ đến việc rời xa Khánh Bình Tây. “Hoàn cảnh của những học trò nghèo càng khiến tôi có thêm động lực gắn bó với đảo. Bởi những người thầy như chúng tôi hiểu hơn ai hết, chỉ khi các con được trang bị kiến thức thì cuộc sống mới bớt cảnh thiếu trước, hụt sau” - cô Nhung nói.

Có thâm niên ở đảo và cũng có thâm niên không ít lần phải tìm đến tận nhà học trò vận động phụ huynh cho con đi học, thầy Phan Văn Diễn, trường Tiểu học Đông Hải, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) chia sẻ: tháng 9/1988, sau khi ra trường, thầy nhận nhiệm vụ ra đảo Phú Quý dạy học. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, cách thành phố Phan Thiết hơn 50 hải lí, 5 năm đầu, được phân công dạy lớp 1, thầy giáo trẻ phải làm quen với vai trò như người mẹ hiền vỗ về, an ủi những đứa trẻ vốn thích chơi hơn thích học, chưa từng xa vòng tay người thân.

“Nhưng thử thách hơn cả với tôi có lẽ là người dân huyện đảo còn mải mưu sinh, nhiều gia đình muốn con em phụ giúp việc chài lưới dẫn đến việc đi học hay bị gián đoạn. Không thấy trò tới lớp, tôi nóng ruột không yên, lại rủ đồng nghiệp đến tận nhà để tìm hiểu, thuyết phục” - thầy Diễn tâm sự.

“Và thành quả mà những người thầy như chúng tôi có được là những nụ cười của trẻ thơ, những ánh nhìn chứa chan tình cảm của bao lứa học trò mà giờ đây đã khôn lớn, bay xa, trong đó có cả những học trò lại trở về đứng trên bục giảng, nối tiếp sự nghiệp trồng người của chúng tôi” - thầy Diễn hạnh phúc nói.

Có lẽ với những cô giáo, thầy giáo đang công tác ở nơi đầu sóng, ngọn gió ấy, sự thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân sẽ được bù đắp khi mỗi ngày họ được làm công việc thiêng liêng mình yêu thích, và hơn hết, họ được sống trong tình cảm ấm áp, yêu thương của phụ huynh và học trò giữa trùng khơi.

Vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2016 tuyên dương 42 giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo trên toàn quốc. Những nhà giáo trên đây là những cá nhân tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình.

 

Minh Châu