. (Ảnh: VA)

Hiện nay, tại khắp các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội có hàng ngàn trẻ khuyết tật đang học tập tại các trường, các trung tâm, các lớp học tình thương… Giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng có đóng góp to lớn của các cán bộ, giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Công việc đặc thù, vô vàn vất vả, nhưng các thầy, cô đã tận tuỵ chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật bằng tất cả tình thương, trách nhiệm và lòng yêu nghề. Không ít thầy, cô còn bớt thu nhập ít ỏi để hỗ trợ học sinh khó khăn có thể tiếp tục đến trường.

Phát biểu tại Lễ gặp mặt, biểu dương, bà Trần Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Hà Nội cho biết: Thông qua Chương trình, mong muốn được tri ân và biểu dương các cán bộ, giáo viên tiêu biểu, đang hằng ngày thầm lặng chăm sóc, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. Các thầy, cô đã có những sáng kiến hay, cách làm tốt giúp nhiều trẻ em khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, phần nào bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Các thầy, cô thực sự là những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp "người tốt, việc tốt" Thủ đô Hà Nội.

Đó là cô Nghiêm Bảo Anh – Trường THCS Lê Lợi (Hoàn Kiếm) – một giáo viên trẻ tâm huyết, luôn quan tâm, chăm sóc học sinh, nhất là các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh có sức khỏe yếu, học sinh khuyết tật. Trong năm học 2015 – 2016, cô Bảo Anh đã kiên trì, hướng dẫn học sinh Trần Bảo Ngọc Minh – học sinh bị khuyết tật cả 2 chân có thể đến lớp hàng ngày. Cô cũng hỗ trợ tiền học phí cho Minh và tạo điều kiện tốt nhất cho em hòa đồng với lớp.

Cô Vũ Thị Ngân – giáo viên Trường tiểu học Phúc Tân (Hoàn Kiếm) không chỉ dành nhiều thời gian rảnh rỗi để kèm thêm cho một học sinh trong lớp bị bệnh máu trắng mà còn mua sách vở, đồ dùng học tập hỗ trợ để học sinh này bớt khó khăn. Cô Ngân 3 năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến và luôn được phụ huynh, học sinh yêu quý.

Cô Nguyễn Thị Sang – Trung tâm GDTX Đình Xuyên dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt tình tham gia dạy ở lớp học tình thương. Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, cô đã giúp nhiều học sinh khuyết tật biết đọc, biết viết. Thành tích học tập của lớp học tình thương góp phần quan trọng trong công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ của huyện Gia Lâm.

26 năm công tác trong ngành Giáo dục, trong đó có 21 năm trực tiếp giảng dạy, cô Lê Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Trì (Hoàng Mai) đã có 8 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp quận; được tặng thưởng Huân chương Vì sự nghiệp giáo dục. Nhiều năm được phân công dạy lớp hòa nhập, cô Lê Thu Hương đã tổ chức các hoạt động dạy học phong phú nhằm đạt mục tiêu giáo dục hòa nhập, phát triển kĩ năng học tập, kĩ năng sống và hòa nhập cộng đồng của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Cô Lê Thu Hương cũng rất tâm huyết trong việc phối hợp với các tổ chức xã hội xây dựng môi trường văn hóa, thể thao phù hợp để các em tham gia vào các hoạt động trong và ngoài nhà trường…/. 

Mỹ Anh