Ảnh minh họa: Bích Liên.

Gia tăng ô nhiễm

Theo báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố vào cuối tháng 9, ước tính mỗi năm, tại khu vực nông thôn phát sinh hơn 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi (chưa kể một khối lượng lớn chất thải sản xuất từ các làng nghề).

Ngoài ra, đối với chất thải rắn (CTR) nông nghiệp, một lượng không nhỏ bao bì phân bón thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bị thải bỏ và không được thu gom, xử lý đúng quy cách. Cùng với sự gia tăng đàn và số lượng vật nuôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng tăng. Mỗi năm nguồn thải từ chăn nuôi thải ra môi trường lên trên 80 triệu tấn. CTR chăn nuôi bao gồm phân, các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm…

Cũng theo báo cáo của Bộ TN&MT đến nay, có khoảng 40-50% lượng CTR chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch. Sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề đã thải ra lượng CTR lớn, đặc biệt các làng nghề ở khu vực miền Bắc. Trong đó, các làng nghề tái chế kim loại, đúc đồng có lượng CTR gồm bavia, bụi kim loại, phôi, rỉ sắt lên tới 1 - 7 tấn/ngày.

Cùng với sự phát triển và sự tăng nhanh về số lượng giường bệnh điều trị, khối lượng phát sinh CTR từ các hoạt động y tế có chiều hướng ngày càng gia tăng. CTR y tế trong bệnh viện bao gồm hai loại là CTR sinh hoạt và chất thải nguy hại (CTNH) y tế. CTR sinh hoạt chiếm khoảng 75 - 80% CTR trong bệnh viện.

Theo thống kê, mức tăng chất thải y tế hiện nay là 7,6%/năm. Ước tính năm 2015, lượng CTR y tế phát sinh là 600 tấn/ngày và năm 2020 sẽ là 800 tấn/ngày. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, qua khảo sát của Sở Y tế, lượng CTR y tế từ hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố là khoảng gần 3.000 tấn.

Khó khăn từ việc thu gom và xử lý...

Nhìn nhận về thực trạng ô nhiễm hiện nay, các chuyên gia môi trường cho rằng, lượng CTR thì ngày một tăng nhưng việc thu gom và xử lý cho đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là tại các vùng nông thôn.

Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 cho thấy, tại các địa phương, ở một số đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có tỷ lệ thu gom khu vực nội thành đạt mức tuyệt đối 100% như TP. Hồ Chí Minh; Đà Nẵng; Hải Phòng; Hà Nội; đạt khoảng 98% ở 11 quận nội thành (quận Hà Đông đạt 96% và Thị xã Sơn Tây đạt 94%); Huế đạt 95%.

Các đô thị loại 2 cũng có cải thiện đáng kể, đa số các đô thị loại 2 và 3 đều đạt tỷ lệ thu gom ở khu vực nội thành đạt trên 80% - 85%. Ở các đô thị loại 4 và 5 thì công tác thu gom được cải thiện không nhiều do nguồn lực vẫn hạn chế, thu gom phần lớn do các hợp tác xã hoặc tư nhân thực hiện nên thiếu vốn đầu tư trang thiết bị thu gom. Mặt khác, ý thức người dân ở các đô thị này cũng chưa cao nên vẫn có gia đình không sử dụng dịch vụ thu gom rác.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, tại các đô thị, việc thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt do Công ty môi trường đô thị hoặc Công ty công trình đô thị thực hiện. Tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân, đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, do đó chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực này. Việc phân loại CTR tại nguồn chưa có chế tài áp dụng và không đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý. Hiện công tác phân loại CTR tại nguồn mới được thực hiện thí điểm tại một số phường của một số đô thị lớn. Phần lớn CTR sinh hoạt đô thị chưa phân loại tại nguồn mà thu gom lẫn lộn và vận chuyển đến bãi chôn lấp.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ xử lý CTR còn nhiều vấn đề bức xúc. Việc lựa chọn các bãi chôn lấp, khu trung chuyển, thu gom chưa đủ căn cứ khoa học và thực tiễn có tính thuyết phục; công nghệ xử lý chất thải chưa đảm bảo kỹ thuật vệ sinh môi trường nên chưa thu được nhiều sự ủng hộ của người dân địa phương.

Qua khảo sát thực tế tại 63 tỉnh, thành cho thấy, ở nhiều tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, chất thải công nghiệp và CTR sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung. Hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh. Ở khu vực Tây Nguyên, các bãi chôn lấp lộ thiên thường được bố trí tại các thung lũng, có nơi gần đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường khu vực hạ nguồn. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bãi chôn lấp không có bờ bao, khi mùa lũ về, bãi chôn lấp bị ngập nước gây ô nhiễm môi trường. Nhiều bãi chôn lấp có cấu tạo hở, vào mùa khô, chất thải được đem đốt…

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) , trong thành phần CTR, đặc biệt CTR trong y tế chứa các vi sinh vật, chất phóng xạ, hóa chất, các kim loại nặng và các chất độc gây đột biến tế bào, là dạng chất thải có thể sẽ gây những tác động tiềm tàng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những người phải tiếp xúc trực tiếp, nên rất cần quản lý chặt.

Tuy nhiên, có một thực tế  không chỉ với CTR y tế mà cả trong quản lý CTR nguy hại nói chung, đều gặp rất nhiều khó khăn do một số chính sách được ban hành nhưng thiếu cơ chế triển khai, hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể triển khai, không hiệu quả, không thể phù hợp với thực tế. Thêm vào đó, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về một số vấn đề then chốt đối với quản lý CTR như: Nhân lực, bộ máy tổ chức, trình độ, các hướng dẫn kỹ thuật... vẫn còn thiếu, dẫn đến các hoạt động khó triển khai, đặc biệt đối với công tác quản lý chất thải.

Để giải quyết tình trạng trên, các chuyên gia môi trường cho rằng, nhằm khuyến khích các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung, xử lý chất thải rắn nói riêng, hiện các dự án xử lý chất thải rắn đang nhận được rất nhiều ưu đãi từ thuê đất đến các loại thuế, phí, tín dụng. Một số nội dung ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã được Chính phủ, trình Quốc hội thông qua. 

Theo Bộ Tài chính, hàng năm, ngân sách nhà nước đều bố trí và đáp ứng đầy đủ kinh phí chi thường xuyên cho các bộ, địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, để huy động nhiều nguồn lực hơn cho lĩnh vực này, Bộ Tài chính đang đề xuất, thúc đẩy hợp tác “công - tư”, hút nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân cho công tác quản lý chất thải rắn; đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn. Với chủ trương trên, hi vọng lượng chất thải rắn ngày càng được xử lý triệt để và hiệu quả, nhằm giảm thiểu ô nhiễm cho cộng đồng./.

BL