Toàn cảnh Hội thảo ngày 16/11. Ảnh: ĐT

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút thuốc, mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh, khiến những người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc. Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Healthbridge Canada tại Việt Nam chỉ rõ, những tác hại từ việc hút thuốc và hút thuốc thụ động. Theo đó, khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Người lớn hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn 25-30%, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng hơn 20-30%. Đặc biệt, tại Việt Nam, mặc dù tỉ lệ phụ nữ hút thuốc thấp (khoảng 2%) nhưng tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ung thư phổi lại cao, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Điều này cho thấy tỷ lệ phơi nhiễm của phụ nữ với khói thuốc thụ động là rất lớn. Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhận định: Một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc đối với những người không hút thuốc là xây dựng các mô hình bệnh viện, trường học, công sở, nhà hàng…. không khói thuốc. Trong đó, mô hình nhà hàng không khói thuốc là một phần rất quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Đánh giá về sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông báo chí trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng biểu dương các cơ quan báo chí đã và đang tham gia tích cực vào hoạt động này. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí vẫn chưa coi đây là nhiệm vụ của mình, vẫn đăng tải các hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá, các nội dung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá vẫn chưa sâu rộng, chưa có ý nghĩa sâu sắc.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn qua Hội thảo này các phóng viên, biên tập viên, cơ quan quản lý nhà nước, chủ nhà hàng sẽ cập nhật thông tin, kiến thức hữu ích về mô hình nhà hàng không khói thuốc. Từ đó, các phóng viên sẽ có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng hơn để thông điệp về thực hiện môi trường sống không khói thuốc được lan tỏa mạnh mẽ, các chủ nhà hàng, khách sạn nhận thức rõ lợi ích và trách nhiệm của mình trong xây dựng mô hình nhà hàng không khói thuốc.

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: ĐT

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện mô hình nhà hàng không khói thuốc trên thế giới, bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh cho biết, chính sách không khói thuốc đã có những tác động tích cực đến ngành du lịch New York. Cụ thể, sau khi New York thông qua Luật không khói thuốc năm 1995, số lượng khách du lịch tăng từ 37 triệu năm 2000 lên 44 triệu năm 2006. Ngành du lịch tăng trưởng 25 triệu USD/năm. 17 nghiên cứu tại 12 bang của Mỹ cho thấy nhà hàng không khói thuốc làm tăng hoặc không gây ảnh hưởng đến doanh thu. Tại bang Washington, 2 năm sau khi thực hiện quy định nhà hàng không khói thuốc, doanh thu của các quán bar và rượu là 105,5 triệu USD cao hơn so với dự tính. Tổng hợp 115 nghiên cứu từ Australia, Canada, Mỹ trong năm 2005 cho thấy khi thực hiện các quy định về nhà hàng không khói thuốc không ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số, lợi nhuận, việc làm của nhà hàng, quán bar, khách sạn, sòng bài về lâu dài.

Tại Hà Nội, sau 3 năm triển khai thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá, đã có nhiều nhà hàng thực hiện thành công mô hình không khói thuốc như: Nhà hàng Lẩu nấm Gia Khánh (quận Ba Đình), nhà hàng Hải Mã (quận Cầu Giấy), Cơm chay nàng Tấm (quận Hoàn Kiếm), Lẩu Sauna (quận Tây Hồ)….

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) năm 2015 ở Việt Nam, nhà hàng ăn uống là một trong những nơi chịu ảnh hưởng của khói thuốc nhiều nhất (chiếm 80,7%). Tuy nhiên, theo kết quả điều tra đánh giá tình hình thực thi quy định nhà hàng không khói thuốc ở Hà Nội 2015-2016, chỉ có 25,1% số nhà hàng trong 195 cửa hàng tham gia khảo sát có thực hiện việc quy định cấm hút thuốc trong nhà hàng trong năm 2015 và con số này tăng lên 44,1% trong năm 2016. Những khó khăn các nhà hàng gặp phải khi thực hiện không khói thuốc chính là tâm lý sợ mất khách hàng, ý thức khách hàng, nhân viên nhà hàng ngại không dám can thiệp…

Ông Dương Mạc An Tôn, Quản lý nhà hàng Lẩu Sauna, một trong những nhà hàng đã thực hiện quy định không khói thuốc từ năm 2007 đến nay, thẳng thắn thừa nhận: Thực hiện nhà hàng không khói thuốc rất khó khăn, là con đường chông gai vì hút thuốc là một thói quen mang tính lịch sử, pháp luật không thể can thiệp. Ông Tôn chia sẻ: “Nhà hàng lẩu Sauna đã thực hiện chính sách không khói thuốc một cách triệt để, thậm chí “thô bạo”. Khó khăn nhiều khi lại đến từ phía nhân viên của nhà hàng do họ nghiện thuốc lá”. Tuy nhiên, nếu làm được sẽ tạo nên sự khác biệt. Nhà hàng lẩu Saunai rất đông thực khách là các chị em phụ nữ và chính sách không khói thuốc được chị em ủng hộ nhiệt tình. Họ thường xuyên đưa đồng nghiệp, gia đình, con cái đến ăn ở đây vì môi trường nhà hàng trong lành, ông Tôn chia sẻ.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Y tế đã trình bày các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các Nghị định xử lý vi phạm liên quan đến thực thi môi trường không thuốc ở các điểm công cộng. Đồng thời, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và đại diện nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng chia sẻ những kinh nghiệm, những kết quả trong quá trình thực hiện mô hình nhà hàng không thuốc lá. Những kết quả tích cực từ việc thực hiện mô hình nhà hàng không khói thuốc là minh chứng cho thấy việc thực thi hoàn toàn có thể làm được nếu như chủ nhà hàng thực sự quyết tâm và cam kết thực hiện.

Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng, thực hiện môi trường không khói thuốc đem lại rất nhiều lợi ích. Song thực tế, để quy định đi vào cuộc sống, để tất cả các nhà hàng, khách sạn, quán bar, quán cà phê đều thực hiện quy định này không phải việc làm trong “một sớm một chiều” và cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là việc thực hiện mô hình nhà hàng không khói thuốc./.

 

8 tiêu chí xây dựng nhà hàng không khói thuốc:

1.         Có nội dung hoặc biển báo cấm hút thuốc trong nhà hàng

2.         Không có gạt tàn, bật lửa trên bàn

3.         Không có hiện tượng hút thuốc và đầu mẩu thuốc lá trong nhà hàng

4.         Nhân viên nhắc nhở khách hàng không hút thuốc

5.         Có hình thức xử phạt với nhân viên hút thuốc lá trong nhà hàng

6.         Không bán thuốc lá trong nhà hàng

7.         Không quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị thuốc lá trong nhà hàng

8.         Không nhận hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá 

 

Đỗ Thoa