Theo dòng lịch sử: Fifa World Cup 1994 - Mỹ

-Thứ hai, ngày 09/06/2014 07:56 GMT+7

Bóng đá vốn được xưng tụng với cái tên đầy mỹ miều: môn thể thao Vua. Điều đó hoàn toàn đúng ở châu Âu, đúng ở Việt Nam nhưng lại không hề chính xác nếu đưa vào trường hợp của Mỹ. FIFA biết Mỹ chẳng phải là một điểm đến lí tưởng cho một kì đại hội bóng đá, nhưng đấy là xét trên khía cạnh chuyên môn còn nếu nói về các yếu tố truyền thông và đặc biệt là thương mại, chẳng ở nơi nào có thể sánh bằng quốc gia đa sắc tộc này. World Cup 1994, FIFA hướng đến điều đó và thậm chí tổ chức quyền lực này còn thành công vượt xa những tính toán ban đầu.

Tổng quan

Nước chủ nhà: Mỹ
Thời gian: từ 17/6 đến 17/7 năm 1994
Thể thức: vòng bảng và knock out
Các đội tuyển tham dự
VCK bóng đá thế giới trên đất Mỹ thành công rồi, nhưng người ta cho rằng nó có thể đã thành công hơn nữa nếu không thiếu vắng đi những đại diện ưu tú nhất của châu Âu là ĐKVĐ Euro Đan Mạch cùng hai ông lớn khác là Anh và Pháp – đội tuyển bị loại phút chót bởi chú ngựa ô mang tên Bungary.
Một đại diện khác của châu Âu là Hy Lạp có lần tham dự World Cup đầu tiên trong khi vinh dự này của châu Phi lại thuộc về ĐT Nigeria.
Danh sách 24 đội tuyển tham dự: Mỹ – Romania – Thụy Sĩ – Colombia – Brazil – Thụy Điển – Nga – Cameroon – Đức – Tây Ban Nha – Hàn Quốc – Bolivia – Nigeria – Argentina – Bungary – Hy Lạp – Mexico – Ailen – Italia – Na Uy.Kết quả chung cuộc
Vô địch: Brazil
Á quân: Italia
Hạng ba: Thụy Điển
Hạng tư: Bungary
Vua phá lưới: Hristo Stoichkov (Bungary – 6 bàn) và Oleg Salenko (Nga – 6 bàn)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Romario (Brazil)
Tổng số trận đấu: 52
Tổng số bàn thắng: 141 (trung bình 2.71 bàn/trận)
Tổng số khán giả: 3,587,538 (trung bình 68,991 người/trận)Brazil và chức vô địch kỳ lạ
Bóng đá Brazil từ trước đến nay vẫn luôn nổi tiếng với chất kĩ thuật và phong cách ngẫu hứng trong thi đấu của cầu thủ nhưng xem chừng sau những thất bại của lối đá vị nghệ thuật thời Zico, Socrates hay Falcao 82,86, những người làm bóng đá xứ Samba đã không còn cách nào khác ngoài việc thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Quả thật, thành công của chất thực dụng Tây Đức hay sự lên ngôi của phong cách phòng ngự Italia chính là những ví dụ điển hình làm thay đổi cách nghĩ của bộ phận thượng tầng bóng đá Selecao.Thủ quân Brazil năm 94 là Carlos Dunga, một chàng tiền vệ giàu tư chất thủ lĩnh, giàu sức mạnh và kỉ luật chứ không phải một mẫu cầu thủ thi đấu theo phong cách biểu diễn điển hình. Chỉ ngay vị trí thủ quân thôi cũng có thể thấy những thay đổi lớn thế nào trong đội hình Selecao. Sau này khi trở thành HLV và dẫn dắt Brazil tại World Cup 2010, Dunga cũng áp dụng lối đá thực dụng của thời kì 94 với cặp tiền vệ trung tâm “sắt đá” là Felipe Melo và Gilberto Silva chỉ có điều đá trên sân thì khác lắm với việc chỉ đạo. Brazil không thành công và chỉ có thể vào tứ kết.

 


Cả World Cup 1994, Brazil chỉ ghi đúng 11 bàn sau 7 trận, tức là bằng đúng số bàn thắng mà đội này ghi được sau… 3 trận tại World Cup 1970, mà lại tính từ tứ kết đến chung kết. Cả hai trận chung kết năm 70 và 94 giữa Ý và Brazil, trận nào cũng thu hút sự quan tâm và kì vọng rất lớn của NHM nhưng rốt cuộc, nó chẳng thể là một món ăn vừa miệng với những khán giả khó tính. Năm 70 Italia thua quá dễ, nhưng giàu bàn thắng đã đành, ở giải lần này, trận chung kết dù kéo dài qua cả 120 phút mà vẫn chưa có bàn nào được ghi. Lần đầu tiên trong lịch sử, trận chung kết phải phân định thắng thua bằng loạt đá penalty và thật đau lòng cho các tifosi khi mối thù năm nào vẫn chưa thể được trả một cách trọn vẹn nhất.Người hùng và tội đồ
Italia đã thất bại trong một trận chung kết tẻ nhạt và giàu tính toán hơn là những gì đã được dự báo từ trước. Thất bại ấy càng trở nên khó nuốt trôi khi tội đồ “dâng” chiến thắng cho đối thủ truyền kiếp lại chính là người hùng của họ suốt từ đầu giải – đuôi ngựa thần thánh Roberto Baggio.

 


Bốn năm trước trên quê nhà, người Italia mải ca tụng chân sút vô danh Salvatore Schillaci mà quên mất rằng Baggio cũng đã ghi lại những dấu ấn nhất định, làm bàn đạp cho thành công tại Mỹ lần này. Thực tế ở vòng bảng, Baggio đạt phong độ chưa cao, Italia vì thế cũng chẳng thể bay nhảy mà phải vào vòng trong bằng tư cách đội thứ ba có thành tích tốt hơn. Nhưng bắt đầu từ giai đoại knock out, độ “thần thánh” trong con người Baggio dường như mới bộc phát hết. Anh ghi bàn gỡ hòa, rồi lại ấn định chiến thắng cho Ý khi trận gặp Nigeria chỉ còn 90 giây, và Ý cũng chỉ còn 10 người. Sang trận tứ kết, Baggio tiếp tục thăng hoa với một bàn thắng muộn khác, giúp Italia đả bại Tây Ban Nha 2-1 và tiến vào bán kết. Bán kết của người Italia cũng chẳng có gì đặc sắc ngoài câu chuyện xung quanh Baggio khi anh lại lập cú đúp đưa đội tuyển của mình vào chung kết. Tính ra, một mình cánh tay Baggio đã mang Italia qua cả giai đoạn knock out, từ 1/16 cho đến tận chung kết khi ghi tới 5/6 bàn thắng của đội bóng này.Trận chung kết, người Ý tiếp tục đặt kì vọng lớn lao vào “đuôi ngựa thần thánh” nhưng với áp lực ngàn cân trên vai cùng cái cổ chân được bó chặt như thế, Baggio chẳng thể nào đưa quả bóng vào lưới ở cự li 11m , trong loạt sút cuối cùng. Italia thêm một lần ôm hận trước Brazil ở chung kết còn với người Italia, hình ảnh Baggio thẫn thờ, cúi gằm mặt trước chấm penalty sẽ mãi để lại những dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí.Những thảm họa!
World Cup 1994 được đánh giá là một trong những giải đấu thành công nhất trong lịch sử nhưng chỉ bằng hai câu chuyện đáng buồn dưới đây, chắc chắn vẫn sẽ có những cái lắc đầu thể hiện đầy sự ngao ngán.Đầu tiên là vụ việc gây sốc của huyền thoại Maradona, diễn ra trên đất Mỹ và đang khi VCK diễn ra. Số là trong trận mở màn, huyền thoại của Argentina, vì quá phấn khích sau khi lập một siêu phẩm, đã chạy ra ăn mừng bàn thắng theo kiểu… hút thuốc phiện. Vụ việc chiếm được sự quan tâm của FIFA, thế nên ngay sau lượt trận thứ hai, Maradona đã phải đi kiểm tra doping. Kết quả sau đó quả thật gây sốc, Maradona được chẩn đoán dương tính với ephedrine, một chất cấm liên quan đến ma túy. Lập tức, Cậu bé vàng bị tống cổ về nước và phải thụ án cấm thi đấu đến 15 tháng của FIFA. Một tiết lộ sau đó còn gây sốc hơn nữa khi cho rằng Maradona đã dùng ma túy từ tận năm 83, tức là trước VCK World Cup trên đất Mĩ… 11 năm. Tuy nhiên, đến nay nhận định vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn.

 


Scandal của huyền thoại xứ tango đã tạo nên cú sốc thực sự thì câu chuyện dưới đây lại đem đến nỗi kinh hoàng cho bất cứ khán giả nào, chỉ có điều nó đã không xảy ra trên đất Mỹ. Cầu thủ của Colombia, hậu vệ Andres Escobar, trong loạt trận vòng bảng thứ 2 gặp chủ nhà Mỹ đã vô tình đốt lưới nhà khiến cho đội bóng của anh thất bại với tỉ số 1-2 và bị loại sau vòng bảng. Điều đáng nói là ở chỗ, tròn một tuần sau khi trở về nước, Escobar đã bị một kẻ quá khích bắn tới 6 viên đạn và thiệt mạng ngay lúc đó, cứ sau mỗi nhát bắn, kẻ hạ sát Escobar lại hét lên “Gooooal” như tiếng hô bàn thắng của những BLV. Kẻ sát nhân cũng như nhóm quá khích ở Colombia cho rằng, pha phản lưới của Escobar chẳng khác nào một hành động phản quốc. Thủ phạm được xác định là Humberto Munoz nhưng điều bất ngờ là tên này lại được tha bổng sau đúng 11 năm ngồi tù.Những ấn tượng khác
Kỉ lục khán giả: Hoa Kỳ là một quốc gia chẳng hề yêu bóng đá thế nên con số người xem 3,578,538 đã thực sự gây sốc với không chỉ FIFA mà còn cả những NHM trên khắp thế giới. Có thể người Mỹ chẳng đến để thưởng thức bóng đá, họ đến vì sự hiếu kì nhưng ít nhất, con số khán giả kỉ lục nói trên đã góp phần mang lại thành công không nhỏ cho giải đấu.

 

Bất ngờ: ĐT Bungary được xem là bất ngờ thú vị nhất giải khi lọt vào tới bán kết dù trong những lần tham dự trước đó, đội bóng này chẳng thể thắng nổi bất cứ trận nào. Một đội bóng khác là Ả Rập Xê-út cũng tạo được dấu ấn nhất định khi đứng nhì bảng, xếp trên cả hai đội bóng giàu kinh nghiệm World Cup là Bỉ và Maroc. Tiếc là đại diện châu Á đã không thể tiến xa hơn khi bị loại ngay vòng 1/16 sau đó.Ba điểm: Đây là lần đầu tiên, FIFA áp dụng thể thức một trận thắng ba điểm, hòng tăng tính cạnh tranh cho giải đấu trước đó đã bị kêu ca quá nhiều vì tính thực dụng.Đội hình tiêu biểu:
Thủ môn: Michel Preud’homme (Bỉ)
Hậu vệ: Jorginho (Brazil), Marcio Santos (Brazil), Paolo Maldini (Italia).
Tiền vệ: Dunga (Brazil), Krassimir Balakov (Bungary), Gheorghe Hagi (Romania), Tomas Brolin (Thụy Điển).
Tiền đạo: Romario (Brazil), Hristo Stoichkov (Bungary), Roberto Baggio (Italia).

Cùng chuyên mục

  • Theo dòng lịch sử: FIFA WORLD CUP 2010 – Nam Phi

    Theo dòng lịch sử: FIFA WORLD CUP 2010 – Nam Phi

    Cuối tháng 5/2010, Inter Milan của Mourinho đăng quang ngôi VĐ Champions League, đánh dấu sự thắng thế tạm thời của chủ nghĩa bóng đá thực dụng trong cuộc chiến dai dẳng và vẫn chưa có hồi kết trước tiqui-taca. Nhưng cuộc chiến dai dẳng ấy không chỉ biết xảy ra ở đấu trường lớn nhất cấp CLB, nó đã biết lan sang World Cup, giải đấu đỉnh cao dành cho các ĐTQG. Chẳng mấy người tin rằng Brazil – hiện thân của lối chơi đẹp mắt cùng với ĐT Hà Lan – chủ nhân của những cơn lốc bàn thắng lại chọn con đường thực dụng để tiến bước tại Nam Phi 2010. Tây Ban Nha thì không như thế, chính xác là không hoàn toàn thế. Họ vẫn thực dụng, nhưng là một phần bởi họ vẫn giữ chất tiqui-taca và khi biết kết hợp chúng lại, họ đã là người thành công.

  • Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 2006 – ĐỨC

    Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 2006 – ĐỨC

  • Theo dòng lịch sử: World Cup 1998 - Pháp lần đầu tiên giành cúp vàng Thế giới

    Theo dòng lịch sử: World Cup 1998 - Pháp lần đầu...

  • Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 1998

    Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 1998

TIN MỚI