Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 1998

-Thứ hai, ngày 09/06/2014 09:39 GMT+7

Bóng đá luôn tồn tại những duyên nợ, những lời nguyền và cả những cái “dớp” mà không một nhà khoa học nào trên thế giới có thể giải thích nổi. Nhắc đến cúp vàng FIFA World Cup là hiển nhiên một điều người ta sẽ nhắc đến Brazil. Họ VĐ tới năm lần (nhiều nhất trong lịch sử), về nhì hai lần còn việc họ vào đến bán kết thì chẳng một ai có thì giờ mà nghĩ đến nữa. Italia có thể được xem như là đội tuyển ưa thích nhất của Selecao khi đã từng hai lần thất trận trước các vũ công Samba trong trận đấu cuối nhưng Brazil cũng có khắc tinh của riêng mình và đó nhiều khả năng sẽ là tuyển Pháp. Hai lần bị loại dưới tay người Pháp tại tứ kết Mexico 1986 và Đức 2006, những người Brazil có thể hiểu và phần nào chấp nhận thất bại nhưng thảm kịch tới 0-3 trong trận CK France 98 thì thật khó nuốt trôi, mà cái khó nhất ở đây lại là câu hỏi “vì sao thua?”.

TỔNG QUAN

Nước chủ nhà: Pháp

Thời gian: từ 10/6 đến 12/7 năm 1998

Thể thức: vòng bảng và knock out

CÁC ĐỘI TUYỂN THAM DỰ

Sau lần thay đổi công thức tính điểm cho kì World Cup thứ 15 tại Mỹ bốn năm về trước, FIFA tiếp tục thực hiện những động thái nhằm mở rộng quy mô cho kì đại hội bóng đá năm 98 tại Paris mà chủ chốt nhất chính là việc nâng tầm số đội tham dự từ 24 lên 32. Số lượng tăng lên cũng đồng nghĩa với chất lượng có thể phần nào giảm xuống nhưng đó cũng là cơ hội giúp những khu vực vùng trũng như châu Á hay châu Phi có thêm những đại diện, tạo thêm màu sắc cho giải đấu.

Danh sách 32 đội tuyển tham dự: Pháp – Brazil – Na Uy – Maroc – Scotland – Italia – Chile – Áo – Cameroon – Đan Mạch – Nam Phi - Ả Rập Xê-út – Nigeria – Paraguay – Tây Ban Nha – Bungary – Hà Lan – Mexico – Bỉ – Hàn Quốc – Đức – Nam Tư – Iran – Hoa Kỳ – Romania – Anh – Colombia – Tunisia – Argentina – Croatia – Jamaica – Nhật Bản.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC

Vô địch: Pháp

Á quân: Brazil

Hạng ba: Croatia

Hạng tư: Hà Lan

Vua phá lưới: Davor Suker (Croatia – 6 bàn)

Cầu thủ xuất sắc nhất: Ronaldo Lima (Brazil)

Tổng số trận đấu: 65

Tổng số bàn thắng: 171 (trung bình 2.67 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 2,785,100 (trung bình 43,517 người/trận)

BÍ ẨN BRAZIL VÀ RONALDO

Không gì ngạc nhiên khi Brazil và Ronaldo trở thành tâm điểm của giải đấu năm 98, chứ không phải nhà tân VĐ Pháp. Vì sao ư? Câu hỏi này rất dễ trả lời bởi Brazil đã một phần thể hiện được phong độ hết sức ấn tượng từ đầu giải, nhưng điều quan trọng mà người ta muốn nói tới ở đây chính là thất bại một cách quá chóng vánh và khó hiểu trong trận đấu chung kết, trong khi ngôi sao lớn nhất của họ thi đấu mà gần như… mất mặt. Bất cứ ai từng theo dõi France 98 hay ít nhất là trận chung kết đều có thể dễ dàng thốt lên như thế. Nhưng cái uẩn khúc đằng sau phong độ kì lạ của Ronaldo và thất bại của ĐT áo vàng xanh mới là thứ khó tìm ra lời giải và cho đến nay, nó vẫn được xem là bí ẩn lớn nhất tại một kì World Cup.

Thế này, sau bữa ăn trưa tại khách sạn ngày 12/7/1998, tức là chỉ chưa đầy nửa ngày trước trận CK (21h), Roberto Carlos bỗng phát hiện Ronaldo đang trong trạng thái co giật mạnh, toàn thân run rẩy, mặt mày tái mét và liên tục trào bọt mép. Carlos liền hô toáng lên, các đồng đội, HLV Zagallo và bác sĩ ĐT ngay lập tức có mặt để xem xét tình hình. Ít giờ sau, số 9 tuyển Brazil tỉnh lại, được đem ra bệnh viện gần đó khám tim mạch, não bộ và được các bác sĩ đồng ý cho thi đấu dù trước đó trong buổi họp báo, bảng danh sách mà HLV Zagallo công bố hoàn toàn không có tên cựu tiền đạo Barca. Ronaldo vẫn thi đấu trận chung kết, anh khẳng định mình hoàn toàn bình thường và thực sự Ronaldo hôm đó quá “bình thường”, so với danh hiệu “người ngoài hành tinh” mà người ta đặt cho anh.

Câu chuyện về Ronaldo chiếm trọn mọi trang báo thể thao khắp thế giới hôm đó chứ không phải việc tuyển Pháp vừa lên ngôi vô địch. Người ta bàn tán Ronaldo có “bệnh thật” hay không, quốc hội Brazil sau đó đã yêu cầu tòa án dân sự Rio điều tra vụ việc và họ kết luận: Ronaldo đúng là có bệnh nhưng vì sao mắc bệnh và vì sao nó lại diễn ra vào thời điểm “nhạy cảm” và duy nhất trong đời như thế thì chẳng ai có được câu trả lời xác đáng. Có rất nhiều nghi án được đặt ra, rằng Ronaldo bị người Pháp “hạ độc” (tờ Guardian viết rằng Ronaldo đã ăn tối cùng ba người Pháp một ngày trước chung kết), rằng Ronaldo có thể đã bán độ nhưng có một nghi án còn gây sốc hơn, cho rằng vì từ chối “bán” tuyển mà Ro bị các đồng đội hạ độc. Chẳng biết Ronaldo có bán độ hay không nhưng tin chắc một điều, CĐV thì chưa bao giờ vơi bớt niềm tin và sự thán phục dành cho tài năng và cảm xúc bóng đá mà số 9 của Brazil mang lại.

 

TUYỂN PHÁP CŨNG CÓ “VẤN ĐỀ”

Chưa bao giờ, một VCK World Cup lại dính dáng nhiều như thế đến những yếu tố bên lề. Chuyện Brazil đã qua, giờ người ta mới bắt đầu nhắc đến tuyển Pháp và sự phân hóa chính trị trong thành phần đội bóng này. Trước World Cup, Pháp được xem là quốc gia Tây Âu có thành phần người nhập cư lớn nhất. Họ đến từ châu Phi, Ả Rập và rất nhiều nơi khác trên thế giới. Những cuộc bạo động, những vụ lùm xùm diễn ra khắp nơi liên quan đến “giới nhập cư”.

Với bóng đá, đã có lúc nhà chính trị gia hàng đầu nước Pháp, ông Jean-Marie Le Pen tuyên bố “Trả lại ĐT Pháp cho người Pháp”, điều này muốn đề cập đến thành phần Les Bleus thời bấy giờ đang đầy rẫy những cầu thủ không “chính chủ”. Tuyên bố của Le Pen thổi bùng làn sóng phân biệt chủng tộc trên khắp đất nước hình lục lăng. Le Pen có thể nhận được sự ủng hộ của một bộ phận dân cư nào đó nhưng vị chính trị gia này chắc chắn chưa thể lường trước được sức ảnh hưởng khủng khiếp một khi ĐT Pháp đa sắc tộc (mà trụ cột hầu hết là cầu thủ nhập cư) lên ngôi tại kì World Cup ngay trên sân nhà. Kết quả thì sao, Pháp đã làm được, người dân đoàn kết trong vui sướng tột cùng, họ quên đi mọi chuyện, có thể quên luôn cả… Ronaldo và Brazil và tận hưởng cảm giác lần đầu trên đỉnh thế giới. Thế mới thấy được, bóng đá không chỉ là giải trí, là thể thao mà bóng đá còn có sức mạnh hàn gắn ghê gớm!

THIÊN TÀI ZIDANE!

Pháp VĐ trước Brazil và một Ronaldo đầy nghi án nhưng điều đó chắc chắn không thể xóa nhòa đi những dấu ấn mà thiên tài Zinedine Zidane để lại. Cả giải đấu, Zidane làm nhiệm vụ tạo cảm hứng và dẫn dắt lối chơi của đội bóng áo lam bằng lối đá kĩ thuật và lôi cuốn đến mê người nhưng đến trận đấu cuối cùng, anh trực tiếp ghi bàn, không chỉ một mà tới hai bàn thắng quan trọng giúp Pháp đánh bại Brazil với tỉ số 3-0 đầy thuyết phục. Zidane ít ghi bàn tại World Cup 98 (đúng hai bàn trong trận chung kết), lại ít đánh đầu thành bàn nhưng trận đấu đó, cầu thủ gốc Algeria đã thành công đến hai lần, duy nhất trong sự nghiệp và chẳng nghi ngờ gì nữa, đó chính là lịch sử.

 

ẤN TƯỢNG KHÁC

Pháp: chủ nhà tấn công hay với nhạc trưởng Zidane nhưng cũng đừng quên những đóng góp lặng thầm từ bộ tứ phòng ngự với Thuram, Desailly, Blanc, Lizarazu và cả thủ thành huyền thoại Barthez – họ chỉ để thủng lưới đúng hai bàn cả giải và đến nay vẫn là một kỉ lục. Thầm lặng cũng đúng, mà cũng… sai bởi chẳng ai có thể bảo Thuram thầm lặng nữa khi mình anh lập cú đúp giúp đội nhà vượt qua Croatia 2-1 ở bán kết.

Coatia: Nếu nói về đội gây ấn tượng nhất, chính xác là gây bất ngờ nhất giải, thì đó phải là Croatia. Trong lần đầu tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, Croatia đã vượt qua hàng loạt những tên tuổi lớn như Romania, Tây Đức. Họ vào đến bán kết và chỉ chịu thua chủ nhà Pháp 1-2. Nổi bật nhất trong thành phần đội quân áo caro là tiền đạo Davor Suker – vua phá lưới của giải và thậm chí đã là người giúp Croatia vươn lên dẫn trước Pháp ở bán kết.

37: đó là con số cầu thủ ghi được trên hai bàn thắng tại World Cup 1998, nhiều nhất trong lịch sử các VCK bóng đá thế giới từ trước đến nay
Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)

Cùng chuyên mục

  • Theo dòng lịch sử: FIFA WORLD CUP 2010 – Nam Phi

    Theo dòng lịch sử: FIFA WORLD CUP 2010 – Nam Phi

    Cuối tháng 5/2010, Inter Milan của Mourinho đăng quang ngôi VĐ Champions League, đánh dấu sự thắng thế tạm thời của chủ nghĩa bóng đá thực dụng trong cuộc chiến dai dẳng và vẫn chưa có hồi kết trước tiqui-taca. Nhưng cuộc chiến dai dẳng ấy không chỉ biết xảy ra ở đấu trường lớn nhất cấp CLB, nó đã biết lan sang World Cup, giải đấu đỉnh cao dành cho các ĐTQG. Chẳng mấy người tin rằng Brazil – hiện thân của lối chơi đẹp mắt cùng với ĐT Hà Lan – chủ nhân của những cơn lốc bàn thắng lại chọn con đường thực dụng để tiến bước tại Nam Phi 2010. Tây Ban Nha thì không như thế, chính xác là không hoàn toàn thế. Họ vẫn thực dụng, nhưng là một phần bởi họ vẫn giữ chất tiqui-taca và khi biết kết hợp chúng lại, họ đã là người thành công.

  • Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 2006 – ĐỨC

    Theo dòng lịch sử : FIFA WORLD CUP 2006 – ĐỨC

  • Theo dòng lịch sử: World Cup 1998 - Pháp lần đầu tiên giành cúp vàng Thế giới

    Theo dòng lịch sử: World Cup 1998 - Pháp lần đầu...

  • Theo dòng lịch sử: Fifa World Cup 1994 - Mỹ

    Theo dòng lịch sử: Fifa World Cup 1994 - Mỹ

TIN MỚI