Theo dòng lịch sử: FIFA WORLD CUP 2010 – Nam Phi

-Thứ năm, ngày 12/06/2014 08:57 GMT+7

Cuối tháng 5/2010, Inter Milan của Mourinho đăng quang ngôi VĐ Champions League, đánh dấu sự thắng thế tạm thời của chủ nghĩa bóng đá thực dụng trong cuộc chiến dai dẳng và vẫn chưa có hồi kết trước tiqui-taca. Nhưng cuộc chiến dai dẳng ấy không chỉ biết xảy ra ở đấu trường lớn nhất cấp CLB, nó đã biết lan sang World Cup, giải đấu đỉnh cao dành cho các ĐTQG. Chẳng mấy người tin rằng Brazil – hiện thân của lối chơi đẹp mắt cùng với ĐT Hà Lan – chủ nhân của những cơn lốc bàn thắng lại chọn con đường thực dụng để tiến bước tại Nam Phi 2010. Tây Ban Nha thì không như thế, chính xác là không hoàn toàn thế. Họ vẫn thực dụng, nhưng là một phần bởi họ vẫn giữ chất tiqui-taca và khi biết kết hợp chúng lại, họ đã là người thành công.

Tổng quan

Nước chủ nhà: Nam Phi

Thời gian: từ 11/6 đến 11/7 năm 2010

Thể thức: vòng bảng và knock out

Các đội tuyển tham dự

 

VCK World Cup 2010 là giải đấu đầu tiên được tổ chức tại châu Phi thế nên không có gì ngạc nhiên khi châu lục này đóng góp số thành viên nhiều hơn thường lệ (6 so với 4 tại Đức 2006 và 5 tại Nhật Bản và Hàn Quốc 2002). Australia giờ đã là thành viên của liên đoàn bóng đá châu Á nên cửa tham dự dành cho New Zealand mở rộng hơn hẳn trong khi châu Á đón chào sự trở lại của CHDCND Triều Tiên sau hàng chục năm vắng bóng.

Danh sách 32 đội tuyển tham dự: Nam Phi – Uruguay – Mexico – Pháp – Argentina – Hàn Quốc – Hy Lạp – Nigeria – Hoa Kỳ – Anh – Slovenia – Algeria – Đức – Ghana – Australia – Serbia – Hà Lan – Nhật Bản – Đan Mạch – Cameroon – Paraguay – Slovakia – New Zealand – Italia – Brazil – Bồ Đào Nha – Bờ Biển Ngà – CHDCND Triều Tiên – Tây Ban Nha – Chile – Thụy Sĩ – Honduras.

Kết quả chung cuộc

Vô địch: Tây Ban Nha

Á quân: Hà Lan

Hạng ba: Đức

Hạng tư: Uruguay

Vua phá lưới: Thomas Muller (Đức – 5 bàn)

Cầu thủ xuất sắc nhất: Diego Forlan (Uruguay)

Tổng số trận đấu: 64

Tổng số bàn thắng: 145 (trung bình 2.27 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 3,178,856 (trung bình 49,670 người/trận)

Tây Ban Nha và sự lên ngôi của tiqui-taca

 


Tiqui-taca thực ra đã được thừa nhận ở cấp CLB, thậm chí một phần nào đó ở cấp ĐTQG khi chính Tây Ban Nha vô địch châu Âu hai năm trước đó nhưng nó cần cúp vàng World Cup – đỉnh cao của bóng thế giới để đóng đinh tên tuổi của mình. Thực tế, một dấu hỏi to tướng đã đặt ra trước Del Bosque và các học trò sau trận ra quân thất bại trước đội bóng yếu Thụy Sĩ, cho thấy rằng tiqui-taca hay bất cứ lối đá nào đi chăng nữa cũng đều tồn tại những nhược điểm. Tây Ban Nha đã được tha hồ cầm bóng, đã được chuyền một cách thoải mái ở khu vực giữa sân nhưng chỉ cần “mon men” đến khu vực cách cầu môn tầm 30m, là họ sẽ bị chặn lại. Tất nhiên, chiến thắng của Thụy Sĩ trước nhà ĐKVĐ châu Âu cũng ít nhiều mang màu sắc may mắn và với Tây Ban Nha, họ đã không bị vận may ngoảnh mặt thêm một lần nữa.

Lối chơi của Tây Ban Nha đúng là hoàn hảo thật, nhưng nó cần những cầu thủ biết cách phát huy, cũng giống Barcelona vậy thôi và phải công nhận một điều đội hình Bò tót năm đó quá nhiều những nhân tài. Tuyến giữa – trục sống của tiqui-taca khi ấy dư thừa tài năng đến nỗi Fabregas – tiền vệ trung tâm được coi là xuất sắc nhất giải ngoại hạng, phải ngồi dự bị. Vị trí tiền đạo cũng xảy ra câu chuyện tương tự với trường hợp của Fernando Torres và chỉ có những cầu thủ dự bị nơi phòng tuyến La Roja là kém tên tuổi hơn chút ít.

Như đã nói ở trên, Tây Ban Nha sở hữu lối chơi đẹp, cống hiến nhưng điểm mấu chốt ở đây là họ biết cách chơi chặt chẽ khi cần thiết. Bạn đừng cảm thấy ngạc nhiên khi từ vòng knock out, Tây Ban Nha chỉ toàn thắng với cách biệt tối thiểu bởi điều gần tương tự đã diễn ra tại Euro hai năm trước rồi. Đá giải lớn với những đối thủ đẳng cấp là phải tính toán. Tây Ban Nha vô địch, họ đá tiqui-taca được xem là đẹp nhưng vẫn bị nhiều người chỉ trích là vì thế.

Những giá trị truyền thống bị/được đổi thay

 


World Cup 2010 chứng kiến rất nhiều những gương mặt thân quen nhưng chỉ khi tiếp xúc với họ, bạn mới thấy họ khác trước rất nhiều rồi.

Hà Lan và Brazil, như đã nói phía đầu là một cặp ví dụ như vậy. Hai đội bóng này vẫn luôn được biết đến là những tập thể giàu sức cống hiến, chơi bóng bằng thứ cảm hứng bất tận nhưng hình ảnh của họ tại Nam Phi lần này hoàn toàn trái ngược: thể lực, toan tính, thậm chí còn thô bạo và tất cả những điều đó đều xuất phát từ cặp tiền vệ trung tâm. Trong cái thời điểm mà sơ đồ của bóng đá thực dụng 4-2-3-1 đang thịnh hành, thì Hà Lan và Brazil cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy. Với Hà Lan, họ chọn Van Bommel và De Jong còn bên phía Brazil, đó là Felipe Melo và Gilberto Silva. Nghe qua những cái tên này thôi, đặc biệt là Melo và De Jong cũng đủ khiến nhiều fan hâm mộ lạnh người vì nhớ lại những “chiến tích” mà hai gã “đồ tể” này từng lập nên. Rất thú vị, họ đã gặp nhau ở tứ kết và một trong hai người đã trở thành tâm điểm. Melo là tâm điểm đó. Phút thứ 10, anh chọc khe kĩ thuật cho Robinho mở tỉ số, sang đến hiệp hai, Brazil bị thua ngược 1-2, anh tiếp tục đặt dấu ấn bằng… tấm thẻ đỏ sau khi dẫm lên người Robben. Brazil không thể vùng lên và chấp nhận về nước sớm còn với De Jong, chất “đồ tể” của anh tới trận chung kết mới bộc phát rõ!

Hà Lan, Brazil được xem là những minh chứng về sự thay đổi thiếu tích cực nhưng điều ngược lại đã đến với tuyển Đức khi đội bóng này từ bỏ phong cách “xe bọc thép” và chuyển sang lối đá tấn công máu lửa. Thực tế, lối đá này đã manh nha xuất hiện tại kì World Cup trước nhưng phải đến VCK lần này, cuộc cách mạng thực sự mới bắt đầu. Đây cũng là thời điểm bóng đá Đức chuyển giao từ thế hệ của Ballack hay Frings sang dàn tuyển thủ trẻ trung, năng động và chơi bóng bằng kĩ thuật thượng thừa. Lần lượt Ozil, Muller, Kroos và sau này là Reus, Gotze hay Schurrle trình làng, liên tục đem đến sự mới mẻ, thay cho phong cách có phần khô cứng thời kì trước. Nhưng cũng giống Tây Ban Nha lúc trước, ĐT Đức vẫn rất cần sự trưởng thành và yếu tố kinh nghiệm để có thể bước lên ngôi cao nhất, chứ không chỉ là những chiếc HCB hay HCĐ như những kì World Cup gần nhất.

Điểm đen: scandal tuyển Pháp

Tuyển Pháp thời kì hậu Zidane chứng kiến sự đi xuống thảm hại về mặt thành tích. Họ xếp bét bảng Euro 2008, chật vật giành vé đến Nam Phi và ra về cũng với một kịch bản không thể tệ hại hơn. Nhưng tất cả những dấu ấn đáng buồn đó còn bị tô đậm hơn nữa, sau vụ scandal “phản thầy” đáng xấu hổ tại kì World Cup thứ 19 này. Khởi sự là Anelka, anh này đã “chửi thẳng mặt” HLV Domenech vì thay ra giữa chừng nhưng đỉnh điểm của vụ lùm xùm này lại diễn ra một ngày sau đó. Anelka bị đuổi về nước vì vô kỉ luật nhưng một nhóm cầu thủ, đứng đầu là đội trưởng Patrick Evra lại công khai phản ứng trước HLV Domenech, bỏ tập và lên xe bus về khách sạn. Sự việc chỉ tạm lắng xuống khi LĐBĐ nước này vào cuộc nhưng thành tích tệ hại sau đó của Pháp đã không thể cứu họ khỏi búa rìu dư luận đang trực chờ ở Paris. Những cuộc điều tra sau World Cup đã được thực hiện và những bản án thích đáng đã được đưa ra nhưng danh dự của bóng đá Pháp thì sẽ chẳng thể còn trong sáng sau những vụ lùm xùm đáng xấu hổ như thế này.

Những ấn tượng khác

Hà Lan: Đội bóng áo da cam xứng đáng với danh hiệu “đội bóng đen đủi nhất” lịch sử các kì World Cup khi lần thứ ba vào chung kết mà không thể lên ngôi VĐ. Hai lần trước đó vào các năm 1974 và 1978.

Muller: Thomas Muller của tuyển Đức ghi được 5 bàn thắng tại World Cup lần này, bằng với thành tích của David Villa (Tây Ban Nha), Wesley Sneijder (Hà Lan) và Diego Forlan (Uruguay) nhưng được trao danh hiệu vua phá lưới do có số đường chuyền thành bàn nhiều hơn.

Bàn tay của Chúa: tình huống dùng tay chơi bóng nổi tiếng của Maradona trong trận tứ kết World Cup 1986 với tuyển Anh được tái lập nhưng đây lại là tình huống ngăn cản, chứ không phải ghi bàn như cách Maradona đã thực hiện. Chủ nhân của nó Luis Suarez, tiền đạo trẻ của Uruguay. Đáng lẽ đối thủ của Uruguay là Ghana đã vào bán kết sau 120 phút nhưng cú sút phạt đền sau đó của Asamoah Gyan không thành công . Chung cuộc, Uruguay chiến thắng trên chấm 11m và vào bán kết.

Đội hình tiêu biểu

Thủ môn: Iker Casillas (Tây Ban Nha).

Hậu vệ: Philipp Lahm (Đức), Carles Puyol (Tây Ban Nha), Diego Lugano (Uruguay), Fabio Coentrao (Bồ Đào Nha).

Tiền vệ: Bastian Schweinsteiger (Đức), Xavi Hernandez (Tây Ban Nha), Andres Iniesta (Tây Ban Nha).

Tiền đạo: Thomas Muller (Đức), David Villa (Tây Ban Nha), Diego Forlan (Uruguay).

Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)

Cùng chuyên mục

TIN MỚI