Sách hay: "Trí huệ để lại cho đời"

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 12/08/2015 17:31 GMT+7

VTV.vn - Cuốn tự truyện "Trí huệ để lại cho đời" cho người đọc nhiều câu chuyện ý nghĩa về tinh thần học hỏi không ngừng, ý chí tự lực cách sinh của giáo sư Trần Văn Khê.

"Những câu chuyện ghi lại trong quyển sách này chỉ để minh họa những lời tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ, để các bạn có thể tìm được và nhận thức rõ hạnh phúc trong cuộc sống, qua những kinh nghiệm bản thân. Và tôi tin rằng, ai cũng có thể thành công, nếu mình có ý chí".

GS - TS Trần Văn Khê đã mở đầu như vậy với độc giả trong cuốn tự truyện của mình với tiêu đề "Trí huệ để lại cho đời"

Một cây đại thụ trong mảnh đất thiêng âm nhạc truyền thống Việt Nam, nguyên giáo sư đại học Sóc-bon, thành viên danh dự hội đồng quốc tế âm nhạc... chúng ta vẫn chỉ biết đến những thành công vang dội của giáo sư Trần Văn Khê. Nhưng mọi thứ với ông có phải ngẫu nhiên mà có?

Ông sẽ kể lại cho độc giả, nhất là những độc giả trẻ tuổi câu chuyện cuộc đời mình.

Hãy dừng lại một chút với những mơ ước cuối cùng của giáo sư Trần Văn Khê. Ông muốn lễ tang của mình sẽ có giai điệu của bản Dạ cổ hoài lang. Ông ước ao những hiện vật gắn bó với nghề nghiệp của mình, ngôi nhà của mình sẽ được điều hành thật tốt, dễ dàng tiếp cận cho mọi người muốn nghiên cứu về âm nhạc truyền thống. Một tấm lòng nhân hậu, được hình thành qua những tháng năm đầy chông gai.

Sóng gió nổi lên với cuộc đời của GS Trần Văn Khê khi 9 tuổi ông mồ côi mẹ, 10 tuổi mồ côi cha. Bóng mây buồn của tuổi thơ sẽ đè bẹp ông, nếu như tự thân không có những suy nghĩ tích cực, mạnh mẽ.

Nhưng chưa hết, cậu bé Khê 12 tuổi lại mắc phải căn bệnh ban bạch hiểm nghèo, xanh xao, ốm yếu. Một lần nữa, ý chí lại vượt lên hoàn cảnh. Cậu bé gầy yếu ấy không nản lòng, mà tự mày mò, tìm hiểu các bài tập để hồi phục sức khỏe.

Liên tiếp, bệnh tật đến với chành thanh niên Trần Văn Khê trong những ngày học tập ở nước Pháp, rồi khi về già, lại tiếp tục đối mặt với bệnh tiểu đường, thần kinh tọa.

Cuốn tự truyện này cho người đọc nhiều câu chuyện ý nghĩa về tinh thần học hỏi không ngừng, ý chí tự lực cách sinh của giáo sư Trần Văn Khê, đặc biệt là một tình yêu mãnh liệt, tình yêu bền bỉ với âm nhạc truyền thống. Ông tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu âm nhạc dân tộc đến với bạn bè năm châu, khát khao truyền dạy những điều mình biết cho các thế hệ kế tiếp. Những câu chuyện về các lần đi biểu diễn, dự hội nghị, hội thảo cho người đọc cái nhìn về một người thầy, người nghệ sĩ cởi mở, hòa nhã, thông minh và cũng rất hài hước.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước