"Tìm bố ở New York" - Góc nhìn khác về cuộc khủng bố 11/9

Việt Hùng (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Thứ hai, ngày 03/11/2014 10:09 GMT+7

Cuốn tiểu thuyết "Tìm bố ở New York" của tác giả Jonathan Safran Foer lấy đề tài từ vụ khủng bố 11/9 kinh hoàng năm 2001.

Sau sự kiện 11/9/2001, người Mỹ nói chung và những người đã mất người thân trong sự kiện khủng bố tháp đôi tại New York nói riêng đã sống ra sao? Họ đã phải trải qua những mất mát và ám ảnh như thế nào, đặc biệt là đối với một cậu bé khi đó mới 5 tuổi đã mất đi người cha trong thảm kịch này?

Tác giả Jonathan Safran Foer đã không kể lại vụ việc khủng khiếp đó mà đặt ra rất nhiều vấn đề trong đời sống của những con người đã chịu những mất mát không thể bù đắp trong sự kiện bi thảm đó khiến bạn đọc phải suy ngẫm.

Nguồn cơn của câu chuyện bắt đầu từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Tòa Tháp Đôi của Trung tâm thương mại Thế giới sụp đổ sau khi bị hai chiếc máy bay lao vào, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Bố của Oskar Schell qua đời trong thảm họa này. Sau đó 4 năm, tức là vào năm 2005, một lần, cậu bé chín tuổi tình cờ phát hiện ra một chiếc chìa khóa lạ khi trốn vào phòng trữ đồ. Hàng loạt thắc mắc đến với cậu: Chiếc chìa sẽ khớp với ổ khóa nào? Black - cái tên được ghi trên phong bì đựng chía khóa - là ai? Những điều đó có liên quan gì đến bố của cậu?

Với bản tính tò mò, trên hết là lòng yêu bố vô bờ bến, Oskar quyết đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc đó. Trên hành trình tìm kiếm, Oskar đã gặp những người lạ lùng đang âm thầm sống giữa lòng thành phố ồn ã. Nhưng càng đi, cậu càng về gần với gia đình mình hơn, đến gần với mẹ, bà nội, rồi ông nội. Những người thân quanh cậu, ai cũng cất giấu nỗi niềm riêng, nhưng dường như đều bất an với quá khứ. Sau hành trình khám phá, Oska đã lớn lên, không chỉ cao hơn vài centimet mà còn cứng cỏi hơn, vui vẻ hơn và bắt đầu trở lại cuộc sống tươi đẹp. “Tìm bố ở New York” là một cuộc tìm lại những kỷ niệm ấm nồng giữa cha và con, một hành trình tìm để hiểu hơn giá trị của tình thân gia đình.

Trong “Tìm bố ở New York”, tác giả không miêu tả lại sự kiện khủng khiếp ngày 11/9, nhưng nói về những hậu quả to lớn mà nó gây ra. Những gì chất chứa bên trong Oskar còn nặng nề hơn những tàn tích có thể nhìn bằng mắt, đó là nỗi sợ hãi, hoài nghi, cái nhìn u ám. Qua câu chuyện, tác giả đặt ra những vấn đề về cách người sống đang đối diện ra sao với nỗi đau, họ sẽ bước qua hay sẵn sàng chôn mình theo đống tro tàn của thảm kịch.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước