Đạo diễn Đức Hòa: “Mong muốn chuyên nghiệp quy trình sản xuất các chương trình truyền hình…”

Văn Quân-Thứ hai, ngày 04/11/2013 11:48 GMT+7

Đạo diễn Đức Hòa bảo ở tuổi anh bây giờ, nếu được lựa chọn nghề nghiệp lại một lần nữa thì chắc chắn anh vẫn lựa chọn truyền hình.

Anh nói, không hẳn vì lí do anh là “con nhà nòi” khi bố anh cũng là một nhà quay phim lão thành của Đài THVN mà còn bởi, ngay từ khi còn thơ ấu, khi miền Bắc còn đang sử dụng phần nhiều những chiếc ti vi đen trắng, anh đã bị những chương trình truyền hình mê đắm, cuốn hút…

‘ Đạo diễn Đức Hòa (áo xám) cùng những đồng nghiệp

ĐD Đức Hòa: Đúng là những ngày được theo chân bố tới trường quay mình đã bị công việc của những người làm truyền hình cuốn hút, mình nhớ cụ thể lúc đó là công việc của những người quay phim. Đã không ít lần mình ước ao, giá như mình được đứng vào vị trí ấy. Và một loạt câu hỏi cũng được mình đặt ra: mình sẽ cầm máy như thế nào? Chọn góc quay ra làm sao? Mình cũng nung nấu ý định sau khi tốt nghiệp cấp 3 sẽ theo học ngành quay phim nhưng thời điểm mình tốt nghiệp, không có trường đại học nào tuyển sinh lớp quay phim nên sau đó, mình đi bộ đội.

Ở vùng biên giới, phong cảnh nên thơ hùng vĩ càng thôi thúc mình trở thành một nhà quay phim. Mấy năm sau trở lại Hà Nội mình quyết định thi vào đại học báo chí. Mình quan niệm một người quay phim mà có những khái niệm về biên tập hoặc ngươc lại, những người biên tập mà có kiến thức về quay phim thì càng tốt, càng hữu ích cho công việc của mình. Sau bốn năm đại học, ra trường là mình về luôn VTV, thấm thoắt đã hai mươi năm rồi…

PV: Hai mươi năm theo nghề, giờ nghĩ lại thì anh thấy cái gì là lôi cuốn mình nhất, cái gì giúp mình có được “men say” trong công việc mà mình đã và đang đeo đuổi?

Đạo diễn Đức Hòa: Bản chất của công việc của những người làm truyền hình là tái hiện cuộc sống, là tái hiện những câu chuyện không giống nhau. Mỗi công việc là đều là những hoạt động phong phú và quả thực cho đến lúc này, mỗi khi bắt tay vào làm một chương trình nào đó mình vẫn luôn thấy được sự tươi mới và háo hức. Cũng đôi khi thấy mỏi mệt, thấy oải nhưng chỉ sau một thời gian, mình lại tìm được cảm xúc , làm động lực để tiếp tục công việc. Có thể nói, mình đã may mắn làm được một công việc mà ở đó, có rất ít sự nhàm chán.

PV: Mỗi cương vị mình đã từng đảm nhiệm, mỗi chương trình mình đã thực hiện thành công, cho đến bây giờ, anh thấy thời điểm nào, vị trí công viêc nào mà bản thân mình thấy hữu ích nhất, thậm chí, thấy mình thật may mắn khi được sống, được làm việc trong khoảng thời gian ấy?

Đạo diễn Đức Hòa: Mỗi cương vị, mỗi nhiệm vụ mình đảm nhiệm từ ngày vào Đài đến nay đều mang lại cho mình những trải nghiệm riêng thú vị. Nếu phải chọn một giai đoạn thì thật khó. Nhưng có lẽ nhớ nhất là quãng thời gian mình làm ở chương trình VKT trước khi VTV3 được thành lập. Thời đó mình làm biên tập đồng thời thực hiện luôn cả nhiệm vụ quay phim. Cho đến bây giờ mình ngẫm ra rằng, làm truyền hình, nếu tạo lập cho bản thân một sự đa năng thì sẽ rất tốt. Thậm chí vừa biết quay phim, vừa biết phỏng vấn lại vừa biết làm đạo diễn nữa thì càng tốt, nó sẽ rất hữu ích cho công việc của một người làm báo hình.

PV: Nhưng chắc chắn, vẫn còn những khó khăn, những trở ngại khi muốn trở thành một đạo diễn truyền hình giỏi, đúng không anh?

Đạo diễn Đức Hòa: Mình nghĩ để trở thành một đạo điễn truyền hình thành công thì bản thân người đạo diễn phải có được tính kết nối và có ảnh hưởng giữa các bộ phận trong toàn bộ ê kip. Mà muốn kết nối được thì người đạo diễn phải nắm vững được nhiều kiến thức và chắc về nghiệp vụ trong toàn bộ quy trình sản xuất. Mình rất tâm đắc với câu nói của ai đó rằng, người giỏi là người không phải làm tất cả nhưng phải là người biết tất cả. Và mong muốn của mình bây giờ cũng chính là Đài THVN sớm hoàn thiện đươc quy trình sản xuất và hệ thống chức danh

‘ Đạo diễn Đức Hòa

PV: Khán giả biết đến anh không chỉ là người đạo diễn game show “Hãy chọn giá đúng” trong một thời gian rất dài mà họ còn biết đến anh là một người có những đóng góp, dù rất lặng thầm, trong việc thay đổi và có những phương thức mới trong quy trình sản xuất một chương trình truyền hình. Anh có thể chia sẻ một chút về chuyện này?

Đạo diễn Đức Hòa: Năm 1997 mình có cơ hội được tham gia một lớp học về nghề đạo diễn truyền hình ở Hà Lan. Thời gian chỉ 4 tháng thôi nhưng mình nghĩ nó thực sự bổ ích cho cả chặng đường sau này. Phải nói là bao nhiêu bỡ ngỡ, bao nhiêu khúc mắc mà thời gian trước mình gặp phải thì sau cua học ngắn hạn ấy, nó đã giải đáp cho mình gần như tất cả. Họ đã dạy cho mình một cách làm truyền hình chuyên nghiệp nhất, hiệu quả nhất. Mình mang những kiến thức đã thu nạp được ấy về chia sẻ với anh em.

Đầu tiên cũng không đơn giản để mọi người chấp nhận. Điều ấy là dễ hiểu thôi khi thời điểm đó, những chương trình truyền hình cũng đã được xây dựng và mọi người vẫn thấy ổn khi làm cách làm cũ. Mình phải thay đổi dần dần, từng tí một.

Thời gian đầu, khi tư vấn cho mọi người hô khẩu lệnh, ai cũng ngại ngùng và chưa thể thích ứng, hay viêc đơn giản nhất như mặc quần áo thẫm màu khi tham gia sản xuất… cũng phải mất một thời gian mọi người mới thấy nó hiệu quả và ưu việt hơn cách làm cũ.

Thời gian sau VTV3 ra đời kéo theo những game show ra đời, cách làm mới của mình cũng được áp dụng vào các chương trình sản xuất show game. Đến nay có thể nói nó đã phổ biến ở tất cả quy trình sản xuất các chương trình của Đài. Nói ví von hình ảnh, cách làm ấy đã cho các chương trình “một sức khỏe tốt” để triển khai và thực hiện.

PV: Thậm chí cách làm của anh còn được các trường báo chí chuyên ngành truyền hình mang ra để giảng dạy cho sinh viên, và anh cũng là người trực tiếp thuyết trình cách làm của mình với các bạn trẻ?

Đạo diễn Đức Hòa: Khoảng 10 năm rồi mình có cơ hội được chia sẻ với các em sinh viên ở các trường báo chí. Bắt đầu từ những buổi nói chuyện, những cuộc giao lưu, nhà trường thấy hợp lí và hiệu quả nên xây dựng thành bộ môn “công tác đạo diễn”. Đây là một bộ môn hoàn toàn mới mà trước đó nhà trường chưa áp dụng vào giảng dạy cho các em.

PV: Thành công cũng nhiều nhưng xin được hỏi, suốt 20 năm gắn bó với nghề, anh đã bao giờ gặp thất bại chưa? Anh đã bao giờ gặp những tai nạn nghề nghiệp mà bây giờ nghĩ lại anh thấy nó đã giúp mình hoàn thiện chính mình cho quãng thời gian về sau này không?

Đạo diễn Đức Hòa: Có chứ. Có những lúc mình cũng thấy nản. Thậm chí có xuất hiện ý nghĩ hay ở nhà luôn cho nó khỏe. Đó là khi mình mang những kiến thức về áp dụng, chia sẻ với mọi người. Người ủng hộ cũng nhiều nhưng người phản đối cũng có chứ. Thậm chí họ phản đối gay gắn trước mặt mình luôn ấy. Nhưng rồi bình tâm nghĩ lại, mình thấy mình bực tức là vô lí. Và sự phản đối của họ là điều có thể hiểu được bởi cái mới, cái tiên phong bao giờ chả gặp phải sự phản ứng. Vậy là mình lại lao vào làm, cụ thể hóa những ưu việt của cách làm mới và dần dần, mọi người ủng hộ.

PV: Thế mới thấy rằng đạo diễn truyền hình cũng chẳng khác gì làm dâu trăm họ. Làm hài lòng số đông khán giả là một chuyện, ở đây còn phải làm việc với ê kip có khi lên tới cả trăm người. Vậy trong một chương trình cụ thể, nếu có sự bất đồng giữa các ý kiến, các anh sẽ xử lí nào?

Đạo diễn Đức Hòa: Trong một chương trình cụ thể, vai trò của tổ trưởng, của trưởng nhóm rất quan trọng. Còn chuyện ý kiến trái ngược nhau là rất bình thường và đôi khi cần thiết để qua đó có thể tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Nói một cách xa hơn thì phải chú ý để vấn đề đào tạo. Tổng giám đốc cũng rất chú ý và chú trọng đến khâu đào tạo. Mình nghĩ rằng để đạt tới chuyên nghiệp thì khâu đào tạo chính là vai trò cốt yếu, nó là gốc cho sự phát triển.

Xin chân thành cảm ơn anh!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước