Đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm: "Đã bước ra khỏi cái bóng của mình..."

ĐL.Nhân Ái-Thứ sáu, ngày 18/10/2013 14:21 GMT+7

 Nói về ý nghĩa của chiến thắng tại LHP Việt Nam 18, nhà báo – đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm nói giải thưởng đã giúp anh vững bước trên con đường đang đi, xác định con đường đó là đúng và quan trọng - đã bước ra khỏi được chính cái bóng của mình.

VTV News thực hiện cuộc phỏng vấn với đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng Phim Tài liệu, khoa học, Ban Khoa giáo - lần đầu tiên vào năm 2011 tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31. Lúc đó anh là thành viên BGK của mảng phim Tài liệu. Hai năm sau, cuộc phỏng vấn thứ 2 được thực hiện khi anh vừa trở về từ LHP Việt Nam lần thứ 18 với 3 chiến thắng lớn. Anh đã giành một bông sen vàng cho Phim khoa học xuất sắc (phim Bí mật từ những pho tượng Phật) và hai giải thưởng giành cho cá nhân – Đạo diễn xuất sắc thể loại phim Khoa học và Kịch bản xuất sắc thể loại phim Khoa học. Ngoài ra, Phòng phim Tài liệu, khoa học nơi anh làm việc còn nhận thêm 2 giải – Quay phim xuất sắc thể loại phim Khoa học và bông sen bạc cho Phim khoa học xuất sắc (phim Mùa chim làm tổ, đạo diễn Vũ Hoài Nam)

Trước đó, vào tháng 3, bộ phim Bí mật từ những pho tượng Phật của anh cũng đã được vinh danh với giải Cánh diều bạc ở hạnh mục Phim Khoa học xuất sắc.

Vì thế, cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm, tất nhiên, sẽ được mở đầu với chiến thắng của anh tại LHP Việt Nam lần thứ 18.

‘ Đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm nhận giải tại LHP Việt Nam lần thứ 18. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cảm giác của anh lúc này như thế nào – sau khi giành được chiến thắng không hề nhỏ tại LHP Việt Nam vừa diễn ra?

- Rất ấm cúng, rất mềm mại (cười). Tuy đây không phải lần đầu tiên có giải thưởng nhưng vẫn cảm thấy nó rất tươi mới.

Có sự khác biệt gì lắm không giữa giữa việc mình nhận giải cánh diều lần đầu tiên nhiều năm trước và bông sen vàng vừa hái được?

- Ý bạn hỏi về cảm giác, về giá trị giải thưởng hay tính chất của giải thưởng?

Mình nói về cả 2 đi!

- Lần đầu tiên thì đấy là sự dò đường, mình đã bước chân ra bên ngoài, không chỉ còn là ở trong nhà và mẹ hát con khen hay nữa. Mình bước ra ngoài để biết mình đang ở đâu trong nấc thang về mặt nghiệp vụ và tiếp đó là để biết xu thế, dòng chảy làm phim. Mình cần tìm đến một dòng chảy chung, xu hướng chung. Xu hướng đó có thể đang diễn ra hoặc sắp diễn ra.

Còn lần này khác hơn một chút. Sau một thời gian có một số thành công nhất định thì việc được giải giúp mình vững bước hơn trên con đường đang đi nhưng quan trọng hơn, mình xác định được con đường đó là đúng. Bây giờ mình đặt mình vào tâm thế là người hiểu nghề, mình có sự chủ động nhất trong công việc mình đang làm, do đó cảm giác lần này là sự khẳng định cộng thêm ít nhiều mình cũng có một số tác động đến dòng chảy chung.

Như anh nói giải thưởng cho mình biết mình đang ở đâu cũng như trong xu thế chung. Vậy thì bây giờ phim khoa học của chúng ta đang nằm ở đâu?

- Đang nằm ở trong mặt bằng chung và với một số lợi thế nhất định về thiết bị cũng như con người, chúng ta cũng có một bước đi gần hơn trong khuôn khổ mảng phim khoa học và khám phá về khoa học của thế giới. Với sự đầu tư về các thiết bị mới đã cho phép chúng ta đạt đến những hình ảnh, những phương thức thể hiện mà trước đây không có.

Ngoài ra, về cách làm nghề, chúng ta đã cởi mở và bước đi chung với bước đi mà phim khoa học thế giới đang đi. Có thể những bước đi đó chưa ra hẳn ngoài khuôn khổ nhưng ít nhất, chúng ta đã bước ra khỏi được chính cái bóng của mình trước đây. Nói một cách nôm na và dễ hiểu thì phim khoa học trên VTV2 đã có một diện mạo phong phú, có nhiều tính truyện hơn, cách thể hiện cũng không khô khan như những đơn vị khác cũng như so với chính VTV2 trước đây.

Sau khi LHP Việt Nam kết thúc có nhận xét rằng ở thể loại phim khoa học, đề tài quá khu biệt với cuộc sống. Anh thấy đánh giá đó có chính xác hoặc chính xác bao nhiêu phần trăm và đó có phải vấn đề khiến những nhà làm phim khoa học suy nghĩ?

- Nhìn vào những tác phẩm dự thi như Bản đồ tư duy phục vụ học tập của hãng phim Tài liệu Trung ương, Sóng thần cảnh báo, Mùa chim làm tổ hay Vượn đen má hung, Bí mật từ những pho tượng Phật… thì rõ ràng mảng nội dung của phim khoa học bây giờ đã rộng hơn nhiều so với trước đây. Người ta không còn thấy những phim nói về cách hướng dẫn nuôi gà, cách hướng dẫn trồng rau củ quả và như thế, rõ ràng về mặt nội dung phim khoa học đã phong phú hơn. Còn sự tiệm cận của cuộc sống tới đâu thì còn phụ thuộc vào tùy tâm thế của khán giả khi tiếp cận đề tài.

Cá nhân người làm nghề thì luôn muốn tác phẩm mình làm đi vào đời sống nhưng mỗi một tác phẩm nó luôn có biên độ và trầm tích để xâm lấn hoặc bén rễ vào cuộc sống một cách khác nhau.

Ngược trở lại với LHP lần này, ở góc độ phim khoa học nói riêng, đánh giá rằng nó chưa hòa nhập vào cuộc sống thì cũng chưa hẳn. Trước đây chúng ta thường làm những phim như bệnh lợn đóng dấu hay bón phân cho lúa như thế nào… nhưng rõ ràng với lượng khán giả ngày càng lớn thì mong mỏi thông tin cũng cần mở rộng hơn chứ không chỉ gói gọn trong một vấn đề cụ thể.

Nhân anh nhắc tới việc lượng khán giả của mảng phim Khoa học đã lớn hơn thì muốn hỏi anh về một vấn đề khác, đó là sự tiếp cận của thể loại phim này tới khán giả. Có vẻ như tần suất dành cho thể loại phim khoa học hiện nay đến khán giả không nhiều, khán giả ít có cơ hội được tiếp cận với những bộ phim khoa học do Việt Nam làm…

- Có nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là những đơn vị thực sự sản xuất phim khoa học một cách chuyên nghiệp thì không nhiều. Những đơn vị rất mạnh như hãng phim Tài liệu Trung ương thì họ không có sóng, do đó việc những bộ phim của họ đến với khán giả khá phức tạp. Thế nên, nói về sự tiếp cận với khán giả thì VTV2 đang là nơi có thế mạnh nhất.

Tuy nhiên, chương trình Những mảnh ghép của cuộc sống sản xuất theo đề tài khoa học và khám phá của VTV2 lại gặp sự bất lợi về lịch phát sóng. Hiện tại chương trình phát vào 7h sáng và 21h30 Chủ nhật hàng tuần nhưng phát lại là vào lúc 2h sáng của ngày hôm sau. Tần suất lên sóng rất ít, rất hẻo lánh. Việc sắp xếp này có vẻ như không xứng đáng với công sức cũng như những đầu tư tốn kém mà chúng ta dành để làm những bộ phim này. Và điều đáng nói là cùng thời điểm, chúng ta lại rất vô tư, rất hào hiệp phát những bộ phim của nước ngoài vào những giờ rất đẹp, rất nhiều người xem.

Như vậy ở đây xuất hiện thực trạng là chúng ta đã lưu vong tại chính ngôi nhà của chúng ta. Từ những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan nó dẫn tới việc khiến cho những bộ phim này nó đã khó khăn rồi lại càng khó khăn hơn và thật sự rất tệ là những khó khăn ấy xuất phát từ chính chúng ta. Có thể có những sự khó khăn trong việc sắp xếp sóng nhưng rõ ràng nếu chúng ta không tôn trọng chúng ta thì đừng mong ai tôn trọng chúng ta.

Phim Bí mật từ những pho tượng Phật - bộ phim đã mang về cho đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm 3 giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ 18. Trước đó, cũng với bộ phim này, tại giải Cánh diều vàng 2013, anh đã được nhận giải Cánh diều bạc cho Phim Khoa học xuất sắc.

Nghe anh nói thì có vẻ như có một sự phí phạm ở đây? Chúng ta đầu tư nhiều cho các trang thiết bị kỹ thuật, các bộ phim làm ra nhận nhiều giải thưởng nhưng điều quan trọng nhất - đưa tác phẩm đến với khán giả - lại gặp vấn đề. Vậy vướng mắc ở đây là gì?

- Đó là vấn đề của nhận thức, nhận thức ở mâm cỗ chung và những món mũi nhọn riêng.

Nói như thế nghĩa là sau khi nhận giải thưởng mình sẽ có một buổi tiệc vui mừng và sau đó tất cả những người đoạt giải sẽ ngồi nghĩ xem mình sẽ bày mâm cỗ của mình như thế nào?

- Thường thì bày một mâm cỗ không phải do ông đầu bếp làm, tính chuyên nghiệp hóa tự thân nó phân công ra những câu chuyện riêng biệt. Tuy nhiên, ông đầu bếp và người bày biện mâm cỗ không nên là hai người tách bạch, cần có sự móc nối, hiểu nhau và cùng bàn bạc. Tôi chỉ lấy một ví dụ như thế này thôi, nếu nơi sản xuất chỉ là nơi sản xuất và nơi phát sóng thích phát lúc nào thì phát nó giống với việc người đầu bếp nấu món ăn và món ăn phải ăn lẽ ra nên đưa vào mùa đông thì lại được ông sắp đặt bày lên vào giữa mùa hè nóng bức. Như thế, rõ ràng người sắp xếp cỗ đang quay lưng lại với người đầu bếp và sự quay lưng này không chỉ tạo ra sự bức bối với người đầu bếp mà còn tạo ra chéo ngoe cho tâm lý tiếp cận của người xem trong từng thời điểm.

Hơn nữa, tính chất của phim khoa học còn có tính thời vụ. Ví dụ, người ta không thích xem dịch đau mắt đỏ vào mùa đông vì mùa đông không phải là mùa xảy ra dịch đau mắt đỏ. Vậy nên chăng có sự hiểu biết nhau hơn, tôn trọng nhau hơn? Tôi nhấn mạnh sự tôn trọng giữa người sắp xếp món ăn và người đầu bếp vì khi có sự tôn trọng thì câu chuyện sẽ khác. Tuy nhiên, đáng tiếc là thời điểm này tôi lại thấy hai người này quay lưng lại và tương đối độc lập trong hoạt động.

Mình đang nhắc đến một vấn đề hơi khó?

- Thật ra cũng không khó lắm nếu chúng ta suy nghĩ cho nhau. Câu chuyện cùng cố gắng và nỗ lực là câu chuyện dài và nếu như không có sự nỗ lực và cố gắng thì con đường mà chúng tôi đi được trong gần 10 năm qua sẽ không được kết quả như thế này.

Nghe anh nói có thể hiểu chúng ta không thể trách vì sao khán giả không được tiếp cận với những bộ phim do chúng ta thực hiện mà những người thực hiện hãy cùng ngồi lại bàn bạc và giải quyết với nhau?

- Chính xác! Nói một cách to tát là cùng hoạch định và sau đó là bàn bạc cụ thể.

Hình như chúng ta đang nói tới một vấn đề hơi nhức đầu? Vậy nên, quay lại với LHP Việt Nam, Phòng Khoa học của anh đã nhận được tới 5 giải trong tổng số 9 giải mà VTV giành được lần này – Quay phim xuất sắc thể loại phim khoa học, Kịch bản xuất sắc thể loại phim khoa học, Đạo diễn xuất sắc thể loại phim khoa học, Phim khoa học xuất sắc (bông sen vàng và bông sen bạc) - vậy điều khiến anh vui nhất là gì?

- Tôi thấy vui vì những giải thưởng khẳng định được đường đi của chúng tôi là đúng đắn.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước