Tác giả Hồ Anh Dũng: "Tôi sẽ viết về truyền hình..."

Văn Quân-Thứ ba, ngày 10/12/2013 23:25 GMT+7

 Cầm bút như một nhu cầu tự thân nên với Hồ Anh Dũng, những câu chuyện ông viết ra đều rất đỗi thật thà và ẩn chứa trong đó nỗi lòng của một người rất có trách nhiệm với đời sống, với thời cuộc. Đã lâu lắm rồi ông mới có dịp để ngồi nói chuyện về văn chương, một hành trình mà có bước vào đó ông mới nhận ra rằng, càng đi càng thăm thẳm...

‘ Ông Hồ Anh Dũng chia sẻ về nghề văn

Không giống với nhiều người viết khác, ông đến với văn chương có thể nói là muộn?

Vâng. Thời còn trẻ, theo học trường Lomonoxop chuyên ngành ngữ văn, tôi đã là người yêu văn chương lắm. Thậm chí lúc đó tôi đã có ý định viết một cuốn tiểu thuyết nhưng được nửa chừng thì tôi dừng lại vì nghĩ rằng vốn sống lúc đó là chưa đủ. Tốt nghiệp Đại học về nước thì chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ lại nổ ra. Cả thế hệ chúng tôi bị cuốn vào một sứ mệnh lớn lao khác nên việc viết lách tôi cũng không nghĩ tới nhiều.

Chiến tranh kết thúc tôi về làm tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, rồi về Trung Ương Đoàn, về Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và cuối cùng là Đài Truyền hình Việt Nam. Công việc cứ cuốn mình đi hết ngày này đến tháng khác nên để cầm bút viết văn là một điều rất khó. Hơn nữa, tôi lại muốn bắt đầu bằng một cuốn tiểu thuyết nên điều đó lại càng không dễ. Mãi đến khi nghỉ hưu, tôi mới có thời gian đề hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình có tên là "Nắng gió đời người", một tiểu thuyết lấy bối cảnh và con người từ một mảnh đất của làng quê xứ Nghệ.

Và được biết sau đó ông cũng đã hoàn thành thêm một cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn nữa?

Năm 2000 tôi cho xuất bản tiểu thuyết "Như là định mệnh". Đó là câu chuyện về thân phận của một bộ phận người trong thời chiến và hậu chiến với những buồn vui, những xung đột nội tại của cá nhân họ trước thời cuộc và xã hội. Tiếp sau đó là tập truyện ngắn "Chuyện làng Quỳnh", là những ký ức về làng Quỳnh quê tôi, một làng quê có nghìn năm văn hiến và rất đỗi bình dị thân thương.

Tôi cũng đã được đọc "Chuyện làng Quỳnh", có cảm tưởng đó là những câu chuyện rất thật, nó gần gũi như những sự kiện đã xảy ra trên quê hương mình vậy?

Như tôi đã nói, làng Quỳnh chính là làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, một ngôi làng trầm tích hàng nghìn năm lịch sử và ẩn chứa trong đó bao nhiêu là lớp lang văn hóa. Cái khéo của người viết truyện là phải làm sao biến những chất liệu từ đời sống thực đó thành của riêng mình. Mỗi con người, mỗi sự kiện đều phải được mình "vẽ" lên bằng con mắt của chính mình. Tôi nghĩ rằng một câu chuyện hay là một câu chuyện mà ở đó, tác giả phải nói lên được những thân phận.

‘ Tác giả Hồ Anh Dũng

Nhiều người cũng thắc mắc, ông cầm bút muộn, lại khởi đầu bằng tiểu thuyết, một thể loại thường không dành cho những người mới bắt đầu sáng tác?

Có thể nói thể này, tôi viết một cuốn tiểu thuyết có thể mất một năm những sự thai nghén, tích lũy và ấp ủ thì mất cả một đời. Bao nhiêu trải nghiệm, bao buồn vui được mất mà mình đã có nó đầy lên, thôi thúc mình phải cầm bút và lúc ấy, trong phạm vi một truyện ngắn thì mình không nói hết được. Đó chính là lí do vì sao tôi khởi đầu những sáng tác của mình là những tiểu thuyết.

Được biết ông thoát ly, xa quê hương từ năm 13 tuổi nhưng đọc những tác phẩm của ông, bóng dáng quê nhà, hình ảnh đất và người nơi ông sinh ra vẫn rất đậm trong từng trang viết?

Tôi có một quan điểm rằng, đi đâu thì đi nhưng ấn tượng sâu đậm, ký ức của tuổi thơ là rất đậm đà trong tâm hồn mỗi con người. Làng Quỳnh của tôi là một làng quê văn hiến, có hương biên, hương ước hàng nghìn năm. Nên nếu không viết gì về làng quê đó thì sẽ rất phí. Đó như một "vỉa" tài nguyên cảm xúc để mình có thể khai thác. Tất nhiên, sau này có dịp đi đến những vùng đất khác, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nó cũng làm cho tâm hồn mình phong phú hơn, chính vì vậy mà trong tác phẩm của mình, sẽ có sự chừng mực và tiết chế.

Trò chuyện, có cảm giác như ông rất tâm huyết với tiểu thuyết. Nhưng tôi nhớ thì một lần, một ai đó đã nói rằng, người Việt, không có tư duy về tiểu thuyết, có chăng, cái "tạng" của các nhà văn Việt Nam là truyện ngắn, là thơ, là tản văn... đại khái là những thể loại thuộc... quy mô nhỏ. Xin hỏi quan điểm của ông về nhận xét ấy?

Người Việt thông minh, nhạy bén, nhiều cảm xúc nên có thế mạnh về thơ ca là điều có thể hiểu. Truyện ngắn cũng sẽ dễ hơn. Còn tiểu thuyết đòi hỏi sự khai thác sâu rộng, bao quát. Tôi là người viết muộn, ký ức thì nhiều, nên những gì cần nói khó có thể nói cho đủ qua một truyện ngắn. Ý kiến trên, theo tôi nó chỉ đáng để ngẫm ngợi thôi còn trong văn chương, không nên khẳng định chắc chăn một điều gì. Có thể hôm qua, hôm nay văn chương Việt Nam chưa có tác phẩm sánh cùng thế giới nhưng cũng không thể khẳng định ngày mai sẽ không có những tác phẩm vĩ đại. Vì đó là công việc của sáng tạo, của cái gọi là "đãi cát tìm vàng". Tôi đang viết dở một cuốn tiểu thuyết với rất nhiều bối cảnh. Nó xảy ra từ hồi chống Pháp, chống Mỹ cho đến cả thời kỳ hậu chiến. Cả tập sách như chuỗi hành trình của cả một đời người. Viết nhưng tôi không kỳ vọng gì cả, nó như một nhu cầu tự thân của mình thôi. Khen chê, hay dở đều phụ thuộc vào người đọc quyết định hết.

‘ Chân dung Hồ Anh Dũng qua nét vẽ của họa sỹ Hoàng Tân Hưng

Viết nhiều đề tài nhưng tôi để ý, trong các tác phẩm của ông chưa thấy ông viết về những người làm truyền hình. Một lĩnh vực mà có thể nói đã gắn bó với ông với không ít những vui buồn?

Có chứ. Trong cuốn tự truyện tôi sẽ viết về truyền hình với những tháng năm trải nghiệm với công việc đó. Làm truyền hình là công việc rất thú vị và có thể nói là có rất nhiều điều mà mình có thể viết ra. Nó như một sự sẻ chia, một lời tâm sự của những người làm nghề với nhau.

Nghe những sẻ chia và nhìn những đầu sách ông đã xuất bản trong khoảng thời gian vừa qua, có thể nhận thấy sức viết của ông là không nhỏ. Xin được hỏi, đã bước vào công việc này, ông nghĩ như thế nào về nghề văn?

Nguyễn Du viết truyện Kiều đầy nước mắt. Cả cuộc đời, bao phận người nức nở trên trang viết của ông nhưng cuối cùng ông cũng chỉ dám nói: "mua vui cũng được một vài trống canh". Tôi nghĩ rằng, nếu viết văn có là một cuộc chơi thì cuộc chơi đó cũng phải gắn bó với cuộc đời. Vì văn chương là sự chia sẻ, mà chia sẻ thì phải chân thành. Những gì anh viết ra sẽ gắn bó với tên tuổi của anh và người ta nói "văn là người" cũng chính là vì thế. Và tôi cũng rất tin rằng: Văn học là là nhân học

Xin cảm ơn ông!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước