40.000 công nhân châu Âu biểu tình tại Brussels

Hồng Quang-Thứ bảy, ngày 05/04/2014 18:13 GMT+7

Ngày 4/4, khoảng 40.000 người từ nhiều quốc gia châu Âu đã biểu tình tại Brussels đòi chấm dứt các biện pháp kinh tế khắc khổ mà người lao động thường là nạn nhân đầu tiên. Các công đoàn trên toàn châu Âu kêu gọi các nhà chính trị tìm một hướng đi mới cho châu Âu.

Đây không phải lần đầu tiên các công đoàn châu Âu biểu tình đòi chấm dứt chính sách kinh tế khắc khổ và nạn phá giá nhân công. Những người biểu tình cũng đòi đảm bảo phúc lợi xã hội cho người lao động, và một chính sách thuế công bằng hơn, và thiết lập một mức lương tối thiểu chung cho tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Ông Harry Lubben, công đoàn BFW nói: “Châu Âu không muốn đặt ra một mức lương tối thiểu chung để vẫn có thể trả lương thấp. Chúng tôi phản đối điều đó và chúng tôi sẽ còn biểu tình để phản đối”.

Khoảng 40.000 công nhân từ nhiều quốc gia đã tới Brussels, thủ đô chính trị của Liên minh châu Âu, kêu gọi lãnh đạo châu Âu tìm hướng đi mới cho nền kinh tế, tạo đà cho đầu tư để có tăng trưởng bền vững và công ăn việc làm ổn định, nhất là việc làm cho thanh niên.

Ông Yves Hellendorff, Thư ký Công đoàn CNE cho biết: Các nhà lãnh đạo chính trị muốn thoát khỏi khủng hoảng bằng chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm đầu tư. Chúng tôi cho rằng lẽ ra phải làm ngược lại, lẽ ra phải theo chính sách khuyến khích đầu tư để tạo thêm công ăn việc làm, khi có việc làm thì sẽ giảm được đói nghèo”.

Thất nghiệp, việc làm bấp bênh, bất bình đẳng thu nhập, trong suốt 5 năm khủng hoảng vừa qua, và cho đến lúc này, vẫn là nỗi lo của người lao động. Theo các công đoàn, thì cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra trong 2 tháng nữa là dịp tốt để châu Âu thay đổi đường hướng kinh tế.

Bà Marie-Hélène Ska, Tổng Thư ký Công đoàn ACV-CSC nói: “Lãnh đạo Uỷ ban châu Âu yêu cầu các chính phủ phải cắt giảm chi tiêu, trong đó có chi tiêu cho phúc lợi, giáo dục và y tế. Chúng tôi không thể chấp nhận được điều đó”.

Một số người biểu tình quá khích đã dùng gạch đá tấn công cảnh sát, tạo ra cảnh tượng hỗn loạn không xa nơi diễn ra cuộc meeting.

Lúc này, khi kinh tế châu Âu bắt đầu tăng trưởng trở lại sau nhiều năm khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 10,6%, chỉ giảm có 0,1% so với cách đây một năm, toàn châu Âu vẫn có tới 25 triệu người không có việc làm.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước