Căng thẳng Nga - phương Tây sẽ "hạ nhiệt"

VTV-Chủ nhật, ngày 16/03/2014 16:10 GMT+7

Ông Lê Thế Mẫu trao đổi về tình hình Crimea trong chương trình "Toàn cảnh thế giới" (Ảnh: VTV Online)

Bàn về cuộc khủng hoảng kéo dài tại Ukraine dẫn đến căng thẳng Nga - phương Tây bị đẩy lên cao trào, ông Lê Thế Mẫu - Nhà bình luận các vấn đề quốc tế - nhận định dù sớm hay muộn, căng thẳng này sẽ "hạ nhiệt" và các nước sẽ lại hợp tác với nhau.

Cách đây 6 năm, Nga và phương Tây đã 2 lần đứng ở thế đối đầu trong việc ủng hộ hay phản đối các vùng đất tự trị Kosovo và Nam Ossetia tuyên bố độc lập. Còn hiện nay, việc nghị viện Crimea tuyên bố độc lập với Ukraine và tổ chức trưng cầu dân ý trong ít giờ nữa về việc sáp nhập với Nga đã đẩy cuộc đối đầu giữa Nga - phương Tây thêm trầm trọng.

Tất cả những ngôn từ mạnh mẽ nhất cộng với những lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây đã nhằm vào Nga trong suốt tuần qua nhằm buộc Moscow không can thiệp vào tình hình Crimea. Song Nga luôn khẳng định một lập trường duy nhất là sẽ tôn trọng nguyện vọng của người dân Crimea.

Trao đổi về vấn đề này trong chương trình Toàn cảnh thế giới phát sóng trên VTV1 sáng 16/3, ông Lê Thế Mẫu - Nhà bình luận các vấn đề quốc tế - cho rằng câu chuyện của 3 vùng tự trị Crimea, Kosovo và Nam Ossetia đơn phương tuyên bố độc lập có cả điểm chung và điểm riêng. Trong đó, điểm chung là quyền tự quyết của các khu tự trị. Còn khác nhau ở chỗ Crimea vốn là một phần thuộc lãnh thổ Liên bang Nga, Kosovo hay Nam Ossetia lại là "sản phẩm" của các cuộc chiến tranh xâm lược.

Cả 3 câu chuyện về quyền độc lập ở trên đều chỉ ra rằng mỗi khi có xung đột về lợi ích chiến lược, mối quan hệ giữa Nga – phương Tây luôn bị đẩy vào tình trạng căng thẳng và đối đầu. Trả lời cho câu hỏi: "Liệu cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea có đẩy quan hệ giữa Nga - phương Tây vào một thời kỳ băng giá hay một cuộc chiến tranh lạnh mới không?", ông Lê Thế Mẫu nói: "Có thể thấy rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine nói chung và ở Crimea hiện nay đã đẩy quan hệ Nga - phương Tây lên một mức độ quá căng thẳng. Theo tôi là căng thẳng hơn rất nhiều những gam bậc thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng trong kỷ nguyên này, cuộc Chiến tranh lạnh sẽ hoàn toàn đổi khác bởi đây là kỷ nguyên mà tất cả các quốc gia đều vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với nhau.

Ở chỗ nào đó có thể cạnh tranh cao hơn, hợp tác thấp hơn nhưng chỗ khác có thể hợp tác cao hơn, cạnh tranh thấp hơn song các quốc gia vẫn không thể không hợp tác với nhau mặc dù vẫn có sự cạnh tranh quyết liệt.

Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, độ nóng của cuộc khủng hoảng tại Crimea hiện nay sẽ phải "hạ nhiệt", nghĩa là căng thẳng Nga - phương Tây cũng sẽ "hạ nhiệt" và cuối cùng các nước vẫn phải hợp tác với nhau".

Để lắng nghe rõ hơn những phân tích của ông Lê Thế Mẫu trong chương trình, quý vị và các bạn có thể theo dõi trong video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước