Đối thoại Shangri-La đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế

Hữu Hưng-Thứ hai, ngày 02/06/2014 10:19 GMT+7

Ảnh: VTV Online

Đối thoại Shangri-La 2014 đã để lại một thông điệp rõ ràng về sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Đối thoại Shangri-La đã kết thúc sau ba ngày diễn ra tại Singapore. Không nằm ngoài dự báo, tình hình căng thẳng trên Biển Đông và hành xử không theo chuẩn mực quốc tế của Trung Quốc đã được thảo luận trong nhiều phiên thảo luận tại hội nghị. Đối thoại Shangri-La 2014 đã để lại một thông điệp rõ ràng về sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế làm cơ sở cho duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực.

Đối thoại Shangri-La năm nay ghi nhận quy mô lớn nhất với sự tham gia của trên 450 đại biểu đến từ 30 nước trên thế giới. Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe là người có bài phát biểu dẫn đề cho đối thoại năm nay, trong đó nhấn mạnh các nước cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay, Nhật Bản ủng hộ Philippines và Việt Nam giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Đến với đối thoại lần này, nước Mỹ tiếp tục khẳng định chính sách tái cân bằng, chuyển dịch lực lượng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định cam kết đóng góp vai trò đầu tàu trong việc duy trì ổn định của khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc có nhiều hoạt động đơn phương gây bất ổn trên Biển Đông hiện nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Phùng Quang Thanh trong bài phát biểu tại diễn đàn nhấn mạnh: Tình hình trên Biển Đông hiện nay là nguy hiểm, song Việt Nam hết sức kiềm chế trước hành động gây hấn của Trung Quốc và kiên trì theo đuổi giải pháp giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán đối thoại.

Lập trường của Việt Nam được các nước chia sẻ rằng, mọi tranh chấp cần phải giải quyết thông qua luật pháp quốc tế và Luật Biển, qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông chứ không được dùng vũ lực dẫn đến xung đột.

Cũng tại diễn đàn, Trung Quốc tiếp tục đưa ra giải thích mơ hồ về chủ quyền lịch sử ở Biển Đông dựa trên đường yêu sách "9 đoạn", đồng thời lẩn tránh trách nhiệm tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển mà Trung Quốc là một thành viên. Đây cũng là những điều mà nhiều học giả quốc tế đã phản bác ngay tại diễn đàn.

Đối thoại Shangri-La 13 đã cho thấy thế giới đang ngày càng liên kết chặt chẽ hơn và các quốc gia càng phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình đối với hoà bình, ổn định của khu vực và thế giới trong đó luật pháp quốc tế luôn được đề cao.

Mời quý vị cùng theo dõi VIDEO nội dung chi tiết:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước