“Đòn” kinh tế của Mỹ dành cho Nga sẽ mạnh hơn EU

VTV-Chủ nhật, ngày 30/03/2014 17:26 GMT+7

TS Hoàng Anh Tuấn trao đổi trong chương trình "Toàn cảnh thế giới" (Ảnh: VTV Online)

Đây là nhận định của TS Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao – khi phân tích về những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU dành cho Nga.

Ukraine tiếp tục là điểm nóng được chương trình Toàn cảnh thế giới lựa chọn phân tích trong tuần này. Tuần vừa qua, thế giới đã chứng kiến việc phối hợp nỗ lực tập thể của Mỹ và châu Âu nhằm gây sức ép trừng phạt Nga do vấn đề Crimea, đặc biệt là chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ - Barack Obama.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi những nhận định của TS Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao – trong chương trình Toàn cảnh thế giới về vấn đề này:

Thưa ông Hoàng Anh Tuấn, theo dõi chuyến thăm của tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Châu Âu, ông có cho rằng, Oasinhton đã đạt được ý định của mình trong việc thống nhất hành động với EU về các biện pháp trừng phạt Nga?

TS Hoàng Anh Tuấn: Sau khi xảy ra chuyện Nga sáp nhập Crimea, phản ứng của Mỹ và châu Âu là khá mạnh. Chuyến đi châu Âu của ông Obama là nhằm củng cố sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu. Bây giờ hãy còn quá sớm để có thể biết được các tác động của sự phối hợp giữa Mỹ và châu Âu đối với Nga. Chúng ta thấy rằng Mỹ và Nga có sự đồng thuận rằng phải có sự răn đe đối với Nga nhưng 2 bên lại có sự khác biệt trong các hành động trừng phạt, răn đe. Bước đầu, Mỹ và EU đã đạt được một số kết quả.

Thứ nhất, về răn đe chính trị: Mỹ và châu Âu tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của Nga trên phạm vi thế giới và ngay trong khu vực châu Âu trong khi ông Putin và các nhà lãnh đạo Nga vẫn coi Nga là một cường quốc trên thế giới. Còn ông Obama trong một phát biểu gần đây chỉ coi Nga là một cường quốc trong khu vực.

Thứ hai, về mặt kinh tế: Hiện giờ, các biện pháp cấm vận còn cần thời gian để phát huy tác dụng. Cựu Bộ trưởng Tài chính của Nga đã nói rằng các tác động với Nga về mặt kinh tế hiện giờ đã thấy rõ. Nghĩa là mỗi một quý, dòng tư bản chuyển từ nước Nga ra bên ngoài vào khoảng 60 tỷ USD và trong năm nay có thể vào khoảng 250 tỷ USD. Các tác động khác cũng bị ảnh hưởng bởi giá của đồng Rup, thị trường chứng khoán của Nga bị chao đảo trong thời gian vừa rồi. Tăng trưởng kinh tế dự đoán trong năm nay là 0%.

Có thể thấy các tác động kinh tế và tác động chính trị đã có kết quả tức thời nhưng còn tương lai thì cần phải tính thêm. Tôi nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt, răn đe đã có tác động nhất định đối với Nga.

‘ TS Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao (Ảnh: VTV Online)

Theo ông, cả Mỹ và EU có thể sẵn lòng chấp nhận những hậu quả về kinh tế có thể có khi trừng phạt Nga, trong khi mức độ thiệt hại của mỗi bên sẽ khác nhau? Vì người ta nói rằng sự trừng phạt kinh tế với Nga là con dao 2 lưỡi, là đòn phản tác dụng.

TS Hoàng Anh Tuấn: Đúng như vậy! Phản ứng của Mỹ và EU có mức độ khác nhau do lợi ích, sự gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và EU đối với Nga là khác nhau. Tôi chỉ nêu 2 ví dụ trong lĩnh vực năng lượng: EU phụ thuộc vào Nga rất nhiều về gas, về khí đốt; 1/3 nhu cầu năng lượng nhập khẩu liên quan đến dầu lửa và khí đốt của EU do thị trường Nga cung cấp. nếu như có sự gián đoạn từ việc cung cấp dầu lửa và khí đốt từ Nga sang, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế của EU, đến sự phục hồi kinh tế của EU sau này.

Đối với Mỹ, Mỹ không có sự phụ thuộc năng lượng đối với Nga như EU. Mỹ hiện nay đang trên đà tiến tới tự lực về nhu cầu năng lượng của mình. Trong khoảng 10 – 15 năm nữa, Mỹ đang tiến tới trở thành một nước xuất khẩu dầu lửa, khí đốt và cạnh tranh trực tiếp với Nga.

Điểm thứ hai về kinh tế: mức độ phụ thuộc về kinh tế của EU với Nga cao hơn của Mỹ. Buôn bán 2 chiều giữa EU và Nga năm 2013 đạt 330 tỷ USD, trong khi đó Mỹ chỉ có 38 tỷ USD (bằng 1/9 của EU).

Như vậy, nếu có khó khăn về kinh tế trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ và EU với Nga, EU là nơi bị ảnh hưởng nhiều hơn vì đầu tư của EU sang Nga nhiều hơn so với Mỹ. 1/3 thương mại của Đức liên quan đến Nga trong tổng thương mại của EU đối với Nga.

Vậy nên, chúng ta thấy, do mức độ kinh tế khác nhau, mức độ phụ thuộc khác nhau, “cái đòn” của Mỹ với Nga cũng mạnh hơn so với EU!

Quý vị và các có thể theo dõi nội dung đầy đủ của chương trình tại đây!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước