"Đông Bắc Á 2014: Hướng tới hoà bình song có thể xảy ra các vụ va chạm"

VTV Online-Chủ nhật, ngày 12/01/2014 16:20 GMT+7

BTV Úy Thương trao đổi về tình hình Đông Bắc Á năm 2014 cùng ông Trần Việt Thái

Trước những diễn biến phức tạp của khu vực Đông Bắc Á trong năm 2013, ông Trần Việt Thái - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao - nhìn nhận xu hướng chung trong khu vực này sẽ hướng tới hòa bình nhưng không tránh khỏi xảy ra các vụ va chạm, xung đột riêng lẻ.

Trong năm 2013, khu vực Đông Bắc Á đã nhiều lần đứng trước nguy cơ bùng nổ xung đột. Một là do xuất phát từ cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên khi nước này tuyên bố tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3 và sau đó là tuyên bố chiến tranh với Hàn Quốc. Hai là mâu thuẫn từ những tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa 3 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, kết thúc năm 2013, những ngòi nổ này đã không có cơ hội bùng phát thành xung đột cho dù những nguy cơ chưa hề giảm bớt.

Trong những ngày cuối năm 2013 và đầu năm mới 2014, có thể thấy diễn biến đáng chú ý nhất tại khu vực Đông Bắc Á là những động thái từ Chính phủ Nhật Bản. Trước tiên là chuyến thăm ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi của Thủ tướng Shinzo Abe. Tiếp đến là kế hoạch quốc hữu hóa thêm 280 hòn đảo lân cận và sau đó là những lời kêu gọi hòa giải từ nhà lãnh đạo Nhật Bản gửi tới các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.

‘ Ông Trần Việt Thái trao đổi tại chương trình "Toàn cảnh thế giới"

Trước thực tế tưởng chừng như đầy mâu thuẫn này, ông Trần Việt Thái - nhà nghiên cứu về khu vực Đông Bắc Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao - đã có cuộc trao đổi trực tiếp với phóng viên tại trường quay của Toàn cảnh thế giới số đầu tiên của năm mới 2014. Theo đó, ông cho rằng động thái này không hề ẩn chứa mâu thuẫn bởi tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng để phục vụ cả việc đối nội và đối ngoại của Nhật Bản.

"Việc Nhật Bản quốc hữu hóa 280 hòn đảo không phải là chủ trương mới khi quốc gia này đã có kế hoạch từ cuối năm 2011. Mặt khác, Nhật Bản ý thức rất rõ phản ứng của các bên trong các động thái của mình. Do vậy, tôi cho rằng những động thái vừa qua tại Nhật Bản đều nằm trong những tính toán có sẵn của họ. Điều mấu chốt nhất là hành động của họ chuyển đi một thông điệp rất quan trọng rằng việc viếng thăm ngôi đền Yasukuni hay các động thái chủ nghĩa dân tộc như vừa qua là việc không thể không làm đối với chính trị nội bộ Nhật Bản hiện nay. Nhưng đồng thời Nhật Bản cũng rất cần tạo quan hệ tốt với những nước láng giềng khu vực nên họ mới có những động thái như vậy" - ông Trần Việt Thái lý giải.

Bàn về bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản, ông Trần Việt Thái cũng đưa ra những dự báo về mối quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên - các quốc gia chủ chốt của khu vực Đông Bắc Á - trong năm 2014 này. Theo ông, về tổng thể, xu hướng chủ đạo trong quan hệ Nhật - Hàn năm 2014 sẽ là hợp tác; quan hệ Nhật - Trung sẽ là vừa hợp tác, vừa đấu tranh và riêng quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên sẽ chủ yếu là đấu tranh, ngăn chặn.

Dự báo về khả năng xảy ra xung đột trong năm 2014 của khu vực Đông Bắc Á, ông nói: "Khả năng xung đột có thể biểu hiện ở cấp độ là cuộc chiến tranh tổng lực, toàn diện; thứ 2 là chiến tranh cục bộ; thứ 3 là xung đột cường độ thấp và thứ 4 là các vụ va chạm, xung đột riêng lẻ. Trong bối cảnh thực tiễn hiện nay ở khu vực Đông Bắc Á, cấp độ 1 và 2 có thể được loại trừ… Có thể sẽ xảy ra xung đột cấp độ thấp nhưng không phải là dòng chảy chính trong năm 2014. Theo tôi, vấn đề lo ngại nhất ở đây chính là các vụ va chạm, đụng độ riêng lẻ trong khu vực này vào thời gian tới.

Dự báo trong năm 2014, tình hình Đông Bắc Á sẽ cơ bản như năm 2013, nghĩa là xen kẽ cả sự hợp tác và sự gia tăng của căng thẳng trên biển Hoa Đông. Nhưng tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ ngược lại với năm 2013 khi căng thẳng có thể nóng lên vào giữa năm, khoảng từ tháng 4 - tháng 10/2014".

Quý vị và các bạn có thể lắng nghe cho tiết những dự báo về tình hình khu vực Đông Bắc Á trong năm 2014 qua chương trình Toàn cảnh thế giới dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước