Dư luận về quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản

Vân Ly-Thứ tư, ngày 02/07/2014 16:02 GMT+7

Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc đã có những bình luận đầu tiên sau quyết định mang tính lịch sử của Nhật Bản, cho phép nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể bằng cách diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình.

Trong khi Mỹ hoan nghênh động thái này thì Hàn Quốc bày tỏ sự thận trọng.

Chính phủ Mỹ hôm 1/7 lên tiếng ủng hộ nỗ lực theo đuổi quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản, đồng minh lớn nhất của Washington tại châu Á.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel đã hoan nghênh quyết định trên của Tokyo.

Thiếu tưởng Hải quân John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc – Mỹ cho biết: "Tuyên bố từ Bộ trưởng Hagel cho biết, ông hoan nghênh chính sách mới của Nhật Bản liên quan đến quyền tự vệ tập thể và cho rằng chính sách an ninh mới của Nhật Bản sẽ cho phép các lực lượng phòng vệ nước này có thể tham gia tác chiến trong phạm vi rộng lớn hơn, đồng thời giúp cho liên minh quân sự Mỹ - Nhật hoạt động hiệu quả hơn".

Tuy nhiên, các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh điều kiện để quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản có thể góp phần vào sự ổn định và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương đó là nếu nó được thực thi minh bạch đi kèm tham vấn các nước láng giềng trong khu vực.

Đây là điều mà nước láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc đặc biệt quan tâm. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố nếu chưa được yêu cầu hay đồng ý, nước này sẽ không chấp nhận việc Nhật Bản triển khai quyền phòng vệ tập thể, đồng thời hối thúc Tokyo đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực.

Ông Noh Kwang-il, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói: "Chính phủ Hàn Quốc sẽ không bao giờ tha thứ cho việc Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể làm ảnh hưởng đến bán đảo Triều Tiên mà không có sự yêu cầu và đồng ý của Hàn Quốc. Quyền phòng vệ tập thể này phải được theo đuổi theo hướng sẽ không làm tổn hại đến hòa bình, ổn định khu vực và trong khuôn khổ của liên minh Mỹ-Nhật theo đúng tinh thần của hiến pháp hòa bình đã được duy trì trong suốt 60 năm qua”.

Hôm 1/7, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hoà bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể. Theo cách hiểu mới, quân đội Nhật Bản giờ đây có thể giúp các đồng minh, trước tiên là Mỹ, nếu các nước này bị kẻ thù chung tấn công, ngay cả khi Nhật không phải là đối tượng bị tấn công.

Thủ tướng Abe hiện đang nỗ lực nâng cao vị thế của Nhật Bản thành “quốc gia đóng góp chủ động” cho hòa bình và an ninh toàn cầu đồng thời tăng cường năng lực phòng vệ của quân đội Nhật Bản trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với những nguy cơ về an ninh.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước