Kỷ niệm 70 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy

Anh Phương, Hoài Thu-Thứ sáu, ngày 06/06/2014 21:40 GMT+7

Kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy tại Pháp. (Ảnh: AP)

Rạng sáng 6/6/1944, quân đội Đồng minh đã tiến hành cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy, mở mặt trận thứ hai chống phát xít ở châu Âu.

Cách đây đúng 70 năm, rạng sáng 6/6/1944, quân đội Đồng minh đã tiến hành cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy, mở mặt trận thứ hai chống phát xít ở châu Âu (còn gọi là Mặt trận phía Tây), giúp chia sẻ bớt gánh nặng cho Mặt trận phía Đông của Hồng quân Liên Xô.

Chiến dịch đổ bộ được coi là lớn nhất trong lịch sử này đã giúp mở đường cho quân đồng minh từ đất Anh vượt qua eo biển Manche, cùng với Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng châu Âu.

Hiện các hoạt động kỷ niệm đã bắt đầu được tổ chức, trước khi diễn ra buổi lễ chính, quy tụ khoảng 20 nguyên thủ quốc gia cùng 3000 cựu chiến binh, những người đã từng tham gia vào trận chiến lịch sử 70 năm về trước.

‘ Một cựu chiến binh thuộc quân Đồng minh cùng người thân thăm nghĩa trang những chiến sĩ quân Đồng minh đã ngã xuống trong trận chiến Normandy


70 năm sau tại Utah, một cuộc đổ bộ mô phỏng đã được diễn ra nhằm tái hiện lịch sử. Bên cạnh những binh sỹ đến từ một số quốc gia tham gia vào lễ kỷ niệm, còn có sự xuất hiện của người cựu binh đã từng trực tiếp tham gia vào cuộc đổ bộ tại Utah năm 1944. Cụ Jim Martin, cựu binh thuộc sư đoàn lính dù 101, không quân Mỹ năm nay đã 93 tuổi. Cuộc nhảy dù đúng 70 năm sau đã mang lại cho cụ những cảm xúc đặc biệt.

‘ Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ các cựu chiến binh thuộc quân Đồng minh

Cụ Jim Martin, cựu chiến binh thuộc quân Đồng minh cho biết: “Thật tuyệt, nhưng lần nhảy dù này không có ai bắn vào chúng tôi cả. Dễ chịu hơn nhiều”.

Lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ xuống Normandy (còn gọi là D-Day) diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều nguy cơ xung đột, quan hệ giữa phương Tây và Nga rạn nứt vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Lễ kỷ niệm D-Day năm nay vì thế được kỳ vọng sẽ khơi dậy lại tinh thần đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Bên cạnh đó, với việc khoảng 20 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia vào buổi lễ kỷ niệm, đây sẽ là cơ hội cho các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Nga – Mỹ, hay giữa Tổng thống Putin với Tổng thống đắc cử Ukraine Poroshenko.

‘ Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong lễ kỷ niệm D-Day

Ông Jack Port, cựu chiến binh thuộc quân Đồng minh nói: “Chúng ta tất cả cùng cầu mong rằng tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta hãy nêu cao sự thiện chí, để tìm ra con đường giúp chúng ta tránh được những cuộc chiến tranh và xung đột trong tương lai”.

Bên cạnh việc tái hiện không khí chiến thắng hào hùng trước chù nghĩa phát xít, D-Day cũng là dịp để thế giới tưởng nhớ một trong những chiến dịch quân sự đẫm máu nhất trong lịch sử. Theo các số liệu, khoảng 2.500 đến 4.000 binh sỹ của quân đồng minh đã chết trong vòng 24 giờ sau khi đổ bộ vào Normandy. Khoảng 9.000 nghìn quân phát xít Đức cũng đã chết trong chiến dịch này. Cuộc đổ bộ, mệnh danh là "Chiến dịch Overlord", dưới làn mưa đạn dày đặc của Đức quốc xã, cuối cùng đã hoàn tất vào ngày 11/6/1944.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước