Năm 2013: Năm bản lề thực hiện đường lối đối ngoại hội nhập quốc tế

Ngọc Thành -Chủ nhật, ngày 15/12/2013 16:22 GMT+7

 Năm nay được xem là dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong việc thực hiện đường lối đối ngoại hội nhập quốc tế toàn diện, trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã đề ra.

Kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế đến nay, ít có thời điểm nào nền ngoại giao Việt Nam có được những dấu ấn đậm nét như năm nay. Mở đầu bằng việc nâng quan hệ đối tác lên tầm chiến lược giữa Việt Nam với Anh trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp đến là việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác toàn diện và Đối tác chiến lược với Pháp trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

‘ Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (Ảnh: VnE)

Chỉ riêng năm nay, Việt Nam đã thiết lập thêm 5 mối quan hệ Đối tác chiến lược và 2 Đối tác toàn diện. Trong đó có tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đề ra là hội nhập quốc tế toàn diện và Việt Nam sẽ là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế và điều này đã được thể hiện bằng cam kết, Việt Nam sẽ gửi quân tham gia vào lực lượng gìn giữu hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Những chuyển hướng về ngoại giao trong năm nay được đánh giá là góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ông Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta phấn đầu duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông. Một mặt chúng ta kiên trì bảo vệ chủ quyền trên biển. Mặt khác, nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phàn với các nước. Một kết quả quan trọng là việc đàm phán để hình thành bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông đã được khởi động”.

Những thành tựu về ngoại giao trong năm nay đã đưa 2013 là năm bản lề trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 11. Đây cũng là cơ sở để ngành ngoại giao định ra các phương hướng và biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện trong nửa nhiệm kỳ còn lại mà còn gắn với tầm nhìn dài hạn và tổng thể đến 2020.

Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: “Hội nghị ngoại giao lần này sẽ tiếp tục triển khai bàn các biện pháp để thúc đẩy thực hiện triển khai đường lối đối ngoại của Đảng lần thứ 11 nhưng đồng thời là triển khai các văn kiện rất quan trọng, định hướng cho công tác đối ngoại trong thời gian tới”.

Những thành tựu về ngoại giao trong năm nay và trong gần 3 năm của nhiệm kỳ Đại hội 11, không chỉ thể hiện qua các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo, các tuyên bố về nâng cấp quan hệ, mà còn được thể hiện bằng số vốn đầu tư nước ngoài và ODA vào Việt Nam tiếp tục tăng cao, hay việc Việt Nam đang đàm phán 6 Hiệp định Thương mại tự do với các nước.

Và nhất là với uy tín của mình, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, thành viên Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO. Cũng trong năm nay, Việt Nam còn được các nước ủng hộ đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Tất cả đã thể hiện mức độ uy tín của Việt Nam tiếp tục tăng cao trước cộng đồng quốc tế.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước