Những sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua (19/5 – 25/5)

VTV Online-Chủ nhật, ngày 25/05/2014 21:10 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi họp báo sau Hội đàm Việt Nam-Philippines chiều 21/5. (Ảnh: VGP)

Thế giới tuần qua chứng kiến nhiều sự kiện lớn và đáng ghi nhớ. VTV Online mời quý độc giả cùng điểm qua 7 sự kiện nổi bật tuần qua!

1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo chí nước ngoài về vấn đề Biển Đông

Trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về tình trạng nguy hiểm hiện nay ở Hoàng Sa, liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc theo các cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước”. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, "trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ".

2. Vấn đề Biển Đông làm “nóng” cuộc điều trần Quốc hội Mỹ

Trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel trước Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về ngân sách hoạt động và viện trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ cho khu vực trong tài khóa 2015, các nghị sỹ Mỹ cho rằng, các hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực.

Các nghị sỹ cũng như Trợ lý Ngoại trưởng Russel đều cho rằng, hành động đơn phương gây căng thẳng qua việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại Biển Đông và sử dụng nhiều tàu thuyền, trong đó có tàu của Hải quân hộ tống đã và đang đe dọa tới hòa bình và an ninh cũng như sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

3. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN gặp riêng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vào chiều 20/5 tại Nay Pyi Taw, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã có cuộc gặp không chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Tại cuộc gặp, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã thông báo với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8.

Đề cập đến các tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cho rằng các bên cần giải quyết bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và tinh thần cũng như lời văn của DOC mà Trung Quốc đã ký với ASEAN.

Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cho rằng, các hành động đơn phương là không phù hợp với xu thế chung và không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân các nước; mong muốn phía Trung Quốc kiềm chế và sớm rút giàn khoan ra khỏi khu vực.

4. Tư lệnh lục quân Thái Lan tuyên bố đảo chính

Ngày 22/5, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Chan-ocha tuyên bố quân đội Thái Lan đã giành quyền kiểm soát đất nước sau cuộc đảo chính quân sự.

Trong tuyên bố phát trên truyền hình trước toàn dân, Tướng Chan-ocha nhấn mạnh: "Để đất nước nhanh chóng trở lại bình thường, Ủy ban gìn giữ hoà bình quốc gia gồm quân đội, các lực lượng vũ trang Thái Lan, Không lực Hoàng gia và lực lượng cảnh sát cần nắm quyền lực bắt đầu từ 16h30 (giờ địa phương) ngày 22/5".

5. Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck bị bắt

Hôm 23/5, cựu Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck cùng một số thành viên trong gia đình đã bị bắt sau khi bà Yingluck và hàng chục chính trị gia khác của Chính phủ vừa bị phế truất được yêu cầu ra trình diện quân đội.

Bà Yingluck bị giữ trong vài giờ và sau đó đã bị chuyến đến một địa điểm không được thông báo.

6. Quân đội Thái Lan tuyên bố giải tán Thượng viện

Quân đội Thái Lan hôm 24/5 tuyên bố, chính quyền quân sự đã giải tán Thượng viện và trao toàn bộ trách nhiệm lập pháp cho Tư lệnh Lục quân, Prayut Chan-ocha.

Quyết định trên cho thấy các tướng lĩnh quân đội Thái Lan sẽ tiếp tục nắm quyền cho tới khi cuộc cải cách các thể chế chính trị, kinh tế và xã hội được hoàn tất.

Một trong những nhiệm vụ mà chính quyền quân sự thực hiện ngay sau khi thành lập là chi trả tiền cho nông dân Thái Lan trong chương trình trợ giá gạo. Tướng Prayut cam kết sẽ cố gắng tìm các nguồn tiền để chi trả tận tay cho nông dân trước khi các hợp đồng bán gạo Liên Chính phủ bị tạm thời đình chỉ.

7. Bầu cử Tổng thống Ukraine: 36 triệu cử tri có quyền bỏ phiếu, nhiều lá phiếu ở miền Đông bị huỷ

Hôm nay (25/5), người dân Ukraine tại nhiều khu vực trên cả nước bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn. Cuộc bầu cử này được xem là "chìa khóa" giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt nửa năm qua.

Các điểm bỏ phiếu trên khắp Ukraine mở cửa vào 8h sáng (giờ địa phương). Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine cho biết, khoảng 36 triệu cử tri nước này sẽ thực hiện quyền bỏ phiếu hợp pháp để chọn ra người đứng đầu đất nước.

An ninh đã được tăng cường nhằm đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ. Gần 2.800 quan sát viên quốc tế, phần lớn từ châu Âu và Mỹ đã có mặt tại Ukraine để giám sát bầu cử.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước