Nigeria: Việc làm và bài học về khai thác tài nguyên

Anh Phương-Thứ bảy, ngày 05/04/2014 19:52 GMT+7

Theo số liệu thống kê chính thức, 41 triệu trong tổng số 170 triệu người dân Nigeria đang thất nghiệp. Tại quốc gia này, việc làm đã trở thành một vấn đề gây đau đầu các nhà chức trách.

Cách đây không lâu, một ngày hội việc làm đã trở thành bi kịch khi những người xin việc tuyệt vọng trong cơn khát việc đã chen lấn xô đẩy, dẫm đạp lên nhau khiến 15 người thiệt mạng. Đây đã trở thành một trong những sự cố thảm khốc nhất trong lịch sử Nigeria. Câu chuyện đã làm nổi lên nhiều vấn đề của nền kinh tế của Nigeria và những bài học về việc khai thác tài nguyên.

Ở tuổi 28, Ukadike Chisom cảm thấy xấu hổ vì phải là người ăn bám. Nhưng đó là những gì đã diễn ra suốt ba năm qua, với một sinh viên tốt nghiệp trường đại học Quốc gia Imo - trường đại học công hàng đầu của Nigeria.

Anh Ukadike Chisom tâm sự: "Kiếm việc quá khó khăn. Bạn không ngừng tìm kiếm, không ngừng nộp hồ sơ để rồi liên tiếp bị từ chối. Bạn biết đấy. Đó thực sự là một thách thức”.

Các chuyên gia cho rằng, những gì đang diễn ra ở Nigeria là bài học cho các quốc gia về quản lý tài nguyên và khai thác thế mạnh của tài nguyên.

Ông Chinedu Ekeke, chuyên gia Các vấn đề công Nigeria cho biết: "Nếu muốn giải quyết vấn nạn thất nghiệp, điều đầu tiên là chính phủ phải nhận ra rằng đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng, một quả bom đang hẹn giờ. Từ đó họ phải đầu tư vào các công trình công, vào cơ sở hạ tầng. Nhưng tiền lấy ở đâu ra bây giờ. Mới gần đây, 20 tỷ USD lợi nhuận từ dầu thô đã bốc hơi không ai hay. Chúng ta đã mất biết bao nhiêu từ nạn trôm cắp dầu thô như vậy. Chính phủ phải ngăn chặn lỗ hổng này".

Phó Giáo sư Derin Ologbenla, chuyên ngành khoa học chính trị, Đại học Lagos nói: "Điều cần thiết là phải chấn chỉnh lại các chương trình giáo dục trên toàn hệ thống đại học. Chúng ta cần phải tạo ra được những lợi ích từ những ý tưởng mới, những sáng kiến mới. Làm sao để những thanh niên Nigeria không chỉ đi kiếm việc mà có thể từ độc lập tạo ra những công ty cho mình. Nhưng nếu muốn người ta đứng trên 2 chân của mình thì phải có nguồn tài chính hỗ trợ người ta làm điều đó".

Thực tế, Nigeria đã từng được xem là một trong những điểm đến giáo dục hàng đầu tại châu Phi. Song những biến động chính trị, thêm vào đó là việc ngủ quên trên những mỏ dầu đã khiến mũi nhọn của quốc gia này tụt dốc khi dầu trượt giá vào những năm 1980.

Thiên nhiên trù phú có vẻ như chưa đem lại nhiều điều tốt lành cho Nigeria. Có thể mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn khi ước tính rằng chỉ 45 năm nữa, những mỏ dầu của Nigeria sẽ cạn kiệt.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước