Phương Tây tìm cách đối phó với Nga

Duy Nghĩa-Thứ hai, ngày 03/03/2014 19:27 GMT+7

Một người thuộc lực lượng tự vệ ở quảng trường Maidan tại thủ đô Kiev. (Ảnh: AFP)

Trong khi nước Nga vẫn chưa có động thái gì tiếp theo sau khi Quốc hội nước này thông qua việc triển khai quân tới Ukraine, các nước phương Tây đang tỏ ra lo ngại và hối hả tìm các phương cách đối phó.

Hôm 2/3, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp thảo luận về tình hình Ukraine và những động thái của Nga. Tâm lý chung của các đại diện tại NATO là lo ngại trước việc Nga có khả năng sẽ đưa quân tới Ukraine để bảo vệ công dân và các lợi ích của mình tại đây.

Tổng thư ký khối này, ông Rasmussen đã kêu gọi Nga rút quân trở lại các căn cứ của mình tại Sevastopol, sau khi có nhiều tin nói rằng Nga đã đưa quân tới nhiều địa điểm trọng yếu tại Crimea. Người đứng đầu tổ chức này cũng kêu gọi Nga đối thoại với Ukraine để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, NATO đã không thể đồng thuận về bất cứ biện pháp đáng kể nào nhằm gây sức ép với Nga.

Trong khi đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng có một cuộc họp bất thường vào tối qua để thảo luận về tình hình Ukraine. Theo đề nghị của Mỹ, rất có thể trong những ngày tới, một phái đoàn của OSCE hoặc của LHQ sẽ được cử tới Ukraine để giám sát tình hình. Tuy nhiên, Moscow lại đang nắm quyền phủ quyết tại cả hai tổ chức quyền lực này.

Để gây thêm sức ép đối với Nga, một số thành viên của nhóm các nước công nghiệp phát triển trong đó có Anh, Pháp, Canada tuyên bố dừng mọi sự chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 dự kiến sẽ diễn ra tại Sochi (Nga) vào tháng 6 tới. Tổng thống Mỹ Obama cũng cảnh báo sẽ hủy chuyến thăm tới Nga dự Hội nghị G-8 và ngừng các cuộc đàm phán thương mại với Nga.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry còn cảnh báo Nga về những đòn trả đũa có thể đến từ Mỹ và các quốc gia khác trong đó có cả các biện pháp trừng phạt và cô lập Nga về kinh tế.

Nhưng có một thực tế là nhiều nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Nga về nguồn cung năng lượng, khiến cho họ có lý do để duy trì quan hệ vững bền với Moscow ngay cả trong trường hợp phải hành động.

Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi video dưới đây:


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước