“Quan hệ ASEAN - Nhật Bản mang lại lợi ích cho 2 phía”

-Thứ hai, ngày 21/01/2013 16:01 GMT+7

Ảnh: Media.vtv.vn

Khu vực ASEAN đang trở thành khu vực quan tâm chiến lược của các cường quốc, mà Nhật Bản không phải là ngoại lệ. Nhìn từ phía Nhật Bản, việc thúc đẩy quan hệ ASEAN cũng mang lại nhiều lợi ích và đó dường như là một lựa chọn hợp lý về mặt chính sách trong môi trường khu vực đang xoay chuyển nhanh chóng như hiện nay.

Ông Shiromoto Masaru, Cục phó Cục Bình luận Thời sự, Đài NHK - Chuyên gia phân tích chính trị Nhật Bản đã có cuộc trả lời phỏng vấn Đài THVN về vấn đề này.

PV: Theo ông, tại sao sau khi nhậm chức ông Abe lại chọn 3 nước Đông Nam Á làm điểm dừng chân đầu tiên?

Ông Shiromoto Masaru, Cục phó Cục Bình luận Thời sự, Đài NHK: Chuyến thăm ASEAN đã thể hiện trọng tâm ưu tiên của chính quyền mới dưới thời ông Abe. Đối với ông Abe, mối quan hệ với Mỹ là quan trọng nhất. Lúc mới nhậm chức ông Abe dự định đi thăm Mỹ đầu tiên, nhưng nước Mỹ lại phải chuẩn bị cho lễ nhậm chức tổng thống nên lịch trình không thuận lợi.

Ngoài chuyến công du của ông Abe, Phó Thủ tướng Taro Aso chọn Myanmar là quốc gia đi thăm đầu tiên, Bộ trưởng Ngoại giao cũng đi thăm các quốc gia ASEAN đầu tiên. Tất cả những động thái này là để gửi đi một thông điệp rằng chính quyền ông Abe hết sức coi trọng khu vực Đông Nam Á.

PV: Chính sách với khu vực Đông Nam Á của chính phủ mới của Nhật Bản là như thế nào?

Ông Shiromoto Masaru, Cục phó Cục Bình luận Thời sự, Đài NHK: Chúng ta nói về chính sách của ông Abe đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có một vấn đề nổi bật là chính sách ngoại giao.

Mối quan hệ với ASEAN được xem là mối quan hệ hai bên cùng có lợi đối với Nhật Bản, ví dụ trong trường hợp của Việt Nam. Sự giúp đỡ từ phía Nhật Bản có thể giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn và ngược lại sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng đem lại lợi ích cho Nhật Bản.

Cùng với mối quan hệ tương hỗ này, Nhật Bản cũng rất muốn tìm cách đem lại sự ổn định cho cả một khu vực rộng lớn từ Đông Á kéo dài cho tới Nam Á. Ngoài ra, Nhật Bản còn có các mối quan hệ với Mỹ, Nga và Triều Tiên. Ở phía Nam có Ấn Độ, và bên cạnh đó là các nước Trung Đông. Nếu khu vực Đông Nam Á và các vùng đất xung quanh trở nên ổn định thì điều này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho Nhật Bản và còn có thể đóng góp cho hòa bình của thế giới.

PV: Trong quãng thời gian cầm quyền trước đây năm 2007, Thủ tướng Abe đã nói đến sự hợp tác với ASEAN, Australia, Ấn Độ như một phần của chiến lược lớn nhằm xây dựng “vòng cung của tự do thịnh vượng”. Theo ông, liệu những động thái gần đây có chứng tỏ rằng, ông Abe đang tiếp tục ý tưởng này?

Ông Shiromoto Masaru, Cục phó Cục Bình luận Thời sự, Đài NHK: 5 năm trước, ông Abe có đưa ra một học thuyết là kết nối các nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á trong đó có Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, cùng với Australia và Ấn Độ tạo thành một dải có hình giống như cánh cung. Về cơ bản thì quan điểm hiện nay của ông Abe cũng không khác gì so với 5 năm trước đây. Để thi hành chính sách này thì trước tiên ông Abe đã gửi một thông điệp đến các nước Đông Nam Á qua chuyến công du vừa rồi. Chính sách này cũng một phần để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc cả về quân sự và kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước