SOM ARF: Vấn đề Biển Đông được các nước đặc biệt quan tâm

Hữu Hưng-Thứ tư, ngày 11/06/2014 10:29 GMT+7

Tại tất cả hội nghị quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN, tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông một lần nữa lại được các nước đề cập liên tục trong các phiên thảo luận.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu vừa kết thúc tham dự một loạt hội nghị quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN, Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Đối thoại ASEAN Mỹ diễn ra tại Yangon, Myanmar. Tại tất cả các hội nghị này, tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông một lần nữa lại được các nước đề cập liên tục trong các phiên thảo luận. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Phạm Quang Vinh ngay sau khi kết thúc chương trình hội nghị.

Có thể nói vấn đề Biển Đông liên tục được đề cập đến trong một loạt cuộc họp của các quan chức cao cấp ASEAN trong khuôn khổ giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Đông Á và đặc biệt tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF. Vậy xin Thứ trưởng cho biết, đến thời điểm này các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại đã có sự nhìn nhận thế nào về tình hình Biển Đông hiện nay?

Ông Phạm Quang Vinh: Có thể nói, trong một loạt hội nghị vừa qua, cái thấy rõ nhất mà các nước đều thống nhất là bày tỏ lo ngại rất sâu sắc về những tình hình căng thẳng và phức tạp đang diễn ra. Thứ hai, hội nghị nhấn mạnh việc kiềm chế và làm giảm căng thẳng, đặc biệt là phải tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước Luật Biển và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Rất nhiều nước nói rằng không được sử dụng các biện pháp đơn phương, không được sử dụng các biện pháp cưỡng bức, sử dụng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền. Và tất cả các nước đều bày tỏ mong muốn xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Có thể nói, các nước rất lo ngại tình hình xấu diễn ra từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan và đưa tàu vào vùng thềm lục địa của Việt Nam và họ muốn phải tháo gỡ ngay căng thẳng này. Tôi cho là nếu Trung Quốc thực hiện mong muốn của các nước, rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam thì sẽ đáp ứng được yêu cầu này.

Tại cuộc đối thoại ASEAN Mỹ lần thứ 27, đại diện ASEAN một lần nữa nêu lên lo ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông hiện nay. Vậy Thứ trưởng cho biết, Mỹ có phản hồi như thế nào sau khi nghe ý kiến của ASEAN?

Ông Phạm Quang Vinh: Trước hết, phía Mỹ đã khẳng định rõ ràng là ủng hộ quan điểm của ASEAN, đặc biệt nội dung đã được thể hiện trong tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN ngày 10/5 bày tỏ lo ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp đang diễn ra ở Biển Đông cũng như kêu gọi việc kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không sử dụng vũ lực hay không đe doạ sử dụng vũ lực và bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển cũng như DOC.

Thứ hai, phía Mỹ nói rằng đã trao đổi với rất nhiều nước trong đó có cả Trung Quốc để bày tỏ lo ngại của mình và mong muốn duy trì lại môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực này. Thứ ba phía Mỹ cũng nêu rằng có rất nhiều việc mà các nước ASEAN và Trung Quốc có thể làm được với nhau như việc thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc là COC. Thứ nữa là phải có biện pháp tháo gỡ ngay những phức tạp đang xảy ra.

Phía Mỹ cũng bày tỏ quan điểm quốc gia Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền nhưng khẳng định rõ là Mỹ có quan tâm quốc gia, lợi ích quốc gia trong bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Theo đó, Mỹ đề nghị không sử dụng các biện pháp đơn phương, cưỡng bức làm thay đổi quy chế hiện tại các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Tựu chung lớn nhất là Mỹ lo ngại và ủng hộ mạnh mẽ tuyên bố ngày 10/5 của Ngoại trưởng ASEAN.

Thông qua một loạt các hội nghị quan chức cao cấp ASEAN lần này và hội nghị lớn nhất có 27 quốc gia tham gia. Vậy thông điệp lớn nhất mà Việt Nam muốn chuyển tải đến các hội nghị lần này là gì?

Ông Phạm Quang Vinh: Có lẽ chủ trương của chúng ta suốt từ khi việc này xảy ra thì rất rõ; thứ nhất cho thấy sự thật về sự vi phạm của Trung Quốc, thứ hai cho thấy chính sách đối ngoại đúng đắn của ta: kiên quyết bảo vệ chủ quyền nhưng đồng thời kiên trì đối thoại với cả Trung Quốc và kiên trì các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Còn tại các hội nghị SOM lần này, chúng ta vừa phản ánh lại được quan điểm chung đúng đắn đó của Việt Nam, đồng thời chia sẻ với tất cả các nước, kể cả trong diễn đàn có Trung Quốc tham dự, việc đầu tiên phải làm là Trung Quốc phải rút giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển mà đã xâm phạm vào các vùng biển Việt Nam. Điều này sẽ giúp rất tốt cho việc duy trì hòa bình, ổn định và giảm gia tăng căng thẳng ở đây.

Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước