Trung Quốc trấn an dư luận về nguy cơ lây lan virus H7N9

Thu Giang-Chủ nhật, ngày 09/02/2014 15:08 GMT+7

Mẫu virus H7N9 tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh. (Ảnh: Xinhua)

Trước những diễn biến phức tạp xung quanh tình hình cúm gia cầm H7N9 hiện nay tại Trung Quốc, giới chức Trung Quốc hôm nay (9/2) đã lên tiếng trấn an dư luận.

Các chuyên gia nước này cho rằng, mặc dù khả năng lây nhiễm virus H7N9 là cao, tuy nhiên, họ vẫn có các biện pháp để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch cúm trên diện rộng. Tuyên bố trên của giới chức Trung Quốc được đưa ra 1 ngày sau khi tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) cảnh báo dịch bệnh nguy hiểm này có nguy cơ cao lây nhiễm ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Thứ sáu 7/2 vừa qua đã đánh dấu ngày thứ 12 liên tiếp chính quyền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc xác nhận thêm các ca nhiễm mới virus cúm gia cầm H7N9. Trong tổng số 58 ca nhiễm virus H7N9 trên địa bàn tỉnh, 16 bệnh nhân đã hồi phục, 12 người đã tử vong.Tất cả các bệnh nhân bị nhiễm virus H7N9 trên đều đã tiếp xúc với gia cầm sống .

Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp hiện nay thì các chuyên gia Trung Quốc vẫn tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch cúm gia cầm H7N9. Theo Trung Tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, khả năng dịch cúm gia cầm H7N9 bùng phát trên diện rộng là không cao.

Ông He Jianfeng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông cho biết: "Trước hết, virus H7N9 không có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Thứ hai, không phải ai cũng dễ nhiễm virus".

Trước đó vào thứ 4 vừa qua, Ủy ban Y tế và Kế hoạch gia đình Trung Quốc cũng đã tái khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus cúm gia cầm H7N9 lây truyền từ người sang người , đồng thời cho biết đa số các trường hợp nhiễm H7N9 người đều đã được cách ly.

Trong khi đó, các quan chức thuộc Trung tâm lâm sàng Y tế công cộng Thượng Hải, Trung Quốc tuyên bố sẽ ngay lập tức đưa vào sử dụng loại vắc xin ngừa H7N9 một khi loại vaccine này chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng mà nhóm nghiên cứu của trung tâm đang tiến hành.

Loại vaccine mới tạo ra bằng công nghệ di truyền đã vượt qua các cuộc thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm. Những con chuột đã cho kết quả âm tính sau 30 ngày phơi nhiễm với virus cúm gia cầm H7N9.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước