VIDEO: Có hay không khủng bố cực đoan ở Sahara?

Hương Linh-Thứ hai, ngày 28/01/2013 15:07 GMT+7

Các nước Phương Tây, đứng đầu là Pháp cho rằng, khu vực sa mạc Sahara đang trở thành thiên đường cho các tay súng Hồi giáo cực đoan. Và họ đang phát động một cuộc chiến chống lại Phương Tây, trong đó vụ khủng bố tại tổ hợp khí đốt In Amenas là một ví dụ.

Khu vực sa mạc Sahara đã từng là một vùng đất giàu có, nơi có tuyến thương mại nối từ châu Phi sang châu Âu. Thời Trung cổ, khu vực này được biết đến là nơi lưu thông của các đoàn lữ hành lạc đà chất đầy muối, hồi đó còn quý hơn vàng. Nhưng qua thời gian, tuyến đường thương mại đó đã thay đổi và giờ đây, khu vực phía Nam của Sahara - gồm chủ yếu là các nước thuộc địa cũ của Pháp - là những nước nghèo nhất thế giới.

Mặc dù vậy, đây là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Algeria có dầu mỏ và khí đốt, Niger có một dự trữ uranium lớn nhất thế giới. Mali là nước sản xuất vàng lớn thứ 3 của châu Phi.

Thời gian gần đây, theo những tin tức mà các nước Phương Tây có được, một bộ phận người dân ở vùng sa mạc này đã sử dụng tuyến đường cổ đại xuyên qua sa mạc để đưa người di cư và các loại ma túy đến châu Âu. Một số chiến binh Hồi giáo đã sử dụng lợi nhuận từ hoạt động bất hợp pháp này để mua vũ khí. Khi Tổng thống Gaddafi bị lật đổ ở Libya trong năm 2011, lực lượng Hồi giáo cực đoan đã mang nhiều khí tài trở lại Mali và bắt đầu một cuộc nổi loạn.

Các phiến quân gia nhập lực lượng với người Hồi giáo đã bị trục xuất từ Algeria trong những năm 1990, liên kết với al-Qaeda và dàn dựng các cuộc tấn công trong tất cả các quốc gia trong khu vực. Trong tháng 4 /2012, liên minh mới nhanh chóng chiếm miền Bắc Mali - có diện tích lớn hơn so với Pháp.

Nhiều nhóm vũ trang hoạt động ở sa mạc Sahara. Họ là tập hợp của nhiều nhóm với động cơ khác nhau từ việc kiếm tiền tới tiến hành cuộc chiến chống Phương Tây. Thật khó để biết sự liên kết của các nhóm này là như thế nào?

Có những báo cáo rằng các nhóm chiến binh ở Nigeria như Boko Haram và al-Shabab ở Somalia có liên hệ với các phần tử cực đoan ở sa mạc Sahara.

Các chiến binh đã tấn công cơ sở khí đốt ở Algeria được cho là đến từ các nước trong khu vực. Các tộc người ở Sahara chia sẻ các mối quan hệ huyết thống và văn hóa mạnh mẽ với nhau, không phân biệt quốc gia. Họ coi vùng sa mạc như là một khu vực rộng lớn thống nhất chứ không phải là các vùng lãnh thổ của quốc gia khác nhau.

Liệu khu vực Tây Phi, vùng sa mạc Sahara rộng lớn có đang trở thành cứ điểm mới của lực lượng khủng bố cực đoan? Cuộc chiến này đang khiến các nước Phương Tây lo ngại, nó sẽ kéo dài đến bao giờ và tiềm ẩn những nguy hiểm như thế nào?

Mời Quý vị cùng tìm câu trả lời trong VIDEO chương trình Toàn cảnh thế giới với sự tham gia bình luận của ông Nguyễn Quang Khai - người đã có hơn 20 năm giữ cương vị Đại sứ Việt Nam ở nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi. Ông Nguyễn Quang Khai cũng nguyên là Vụ trưởng Vụ Tây Á - châu Phi của Bộ Ngoại giao.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước