Vũ khí hóa học: Ranh giới đỏ của can thiệp quân sự?

CDS-Thứ tư, ngày 12/12/2012 20:00 GMT+7

Chiến sự căng thẳng tại Syria (Ảnh: AFP)

Trong khi các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng chống đối đang ngày một ác liệt trên thực địa, giới chức Mỹ đã công bố một thông tin đáng lo ngại về việc chính quyền của Tổng thống Assad có khả năng sẽ dùng vũ khí hóa học để tấn công lực lượng chống đối. Thông tin này chỉ được trích từ một nguồn tin tình báo giấu tên và cũng không có chi tiết cụ thể.

Những lời cảnh báo ngay lập tức được đưa ra.
Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Việc sử dụng vũ khí hóa học là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nếu Chính phủ Syria mắc phải sai lầm gây ra thảm họa do sử dụng những vũ khí loại này, họ sẽ phải chịu trách nhiệm và gánh hậu quả.”
Bà Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ: “Chúng tôi lo ngại rằng Chính quyền Assad ngày càng tuyệt vọng có thể sẽ sử dụng vũ khí hóa học, hoặc sẽ đánh mất quyền kiểm soát và để kho vũ khí này rơi vào tay nhiều tổ chức đang hoạt động tại Syria. Chúng tôi đã gửi những thông điệp rõ ràng rằng việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ là động thái vượt qua giới hạn cho phép và phải tính tới những trách nhiệm.”
Ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: “Cả thế giới đang theo dõi rất chặt chẽ và Tổng thống Mỹ cũng đã nói rất rõ ràng rằng sẽ có những hậu quả nếu chính quyền của ông Assad gây ra một sai lầm khủng khiếp là sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân của mình.”
Cùng với những lời cảnh báo là hành động:
Thượng viện Mỹ ngày 5/12 đã thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối một dự luật cho phép lựa chọn giải pháp quân sự để làm tê liệt lực lượng không quân của quân đội Syria.
Cũng trong ngày 5/12, hàng không mẫu hạm USS Eisenhower mang theo 8 máy bay chiến đấu ném bom và 8000 binh lính đã được triển khai tới bờ biển Syria.
Những động thái diễn ra sau khi khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO quyết định triển khai hệ thống tên lửa Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa dọc biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đã có Mỹ, Đức và Hà Lan đồng ý triển khai tên lửa tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Những động thái này diễn ra bất chấp lời khẳng định của chính phủ Syria về việc sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học để chống lại nhân dân mình.
Ông Faisal Maqdad, Thứ trưởng Ngoại giao Syria khẳng định: “Nếu Syria có vũ khí hóa học, chắc chắn những vũ khí đó sẽ không được sử dụng để chống lại người dân Syria. Chúng tôi lo ngại về một âm mưu sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ và một vài quốc gia châu Âu có thể đã cung cấp loại vũ khí này cho các tổ chức khủng bố ở Syria để sau đó nói rằng chính phủ Syria đã sử dụng những thứ vũ khí đó.”
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Mỹ đưa ra những nguy cơ từ các loại vũ khí hóa học trong tay chính quyền của Tổng thống Assad đã gợi lại về một kịch bản cũ đã từng xảy ra cách đây 10 năm tại Iraq. Cho tới giờ, vũ khí hạt nhân - thứ vũ khí mà Mỹ cáo buộc chính quyền của Tổng thống Hussein lúc đó là sở hữu vẫn chưa được tìm thấy.
“Vấn đề vũ khí hóa học có lợi cho việc chuẩn bị cho một cuộc can thiệp dưới vỏ bọc nhân đạo, và cuối cùng sẽ là tấn công quân sự” – ông Paolo Raffone, một chuyên gia phân tích nhận định.
Quyết định của các đồng minh phương Tây chuyển các cụm tên lửa Mỹ, Đức và Hà Lan tới bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ được xem là có thể sẽ là bước đệm để châu Âu và Mỹ lần đầu tiên tiến hành triển khai quân tại Syria. Tuy nhiên, đây sẽ là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn bởi ai cũng có thể thấy rằng cuộc chiến tranh sắp tới tại Syria nếu có xảy ra sẽ gây ra những hậu quả còn khủng khiếp và nặng nề hơn rất nhiều lần so với 8 năm của cuộc chiến Iraq và hơn 10 năm của cuộc chiến tại Afghanistan.
Tin bài liên quan:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước