Kết quả xét tuyển đại học 2017: Nghịch lý người 30 điểm vẫn trượt, ngành 9 điểm đã đỗ

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 12/08/2017 12:47 GMT+7

VTV.vn - Một nghịch lý xảy ra trong kỳ xét tuyển đại học năm nay là nhiều thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt trong khi một số ngành khác lại có điểm đầu vào dưới 10 điểm.

Chủ đề nóng nhất trong dư luận tuần qua là việc nhiều thí sinh đạt điểm từ 29 – 30 điểm nguyện vọng 1 nhưng vẫn trượt đại học. Trong khi đó, có trường cao đẳng chỉ cần đạt 3 điểm mỗi môn là đỗ. Căn nguyên nào dẫn tới hiện tượng này? Đây cũng chính là chủ đề được bàn tới trong chương trình Sự kiện và Bình luận ngày 12/8.

Đánh giá chúng về chất lượng kỳ thi tuyển sinh vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng kỳ thi đã đạt kết quả tốt. Điều này đã được đưa ra trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nhận định việc có thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học chỉ là hiện tượng cá biệt trong kỳ thi năm nay.

"Hiện tượng thí sinh trên 30 điểm mới đỗ đại học chỉ rơi vào hai ngành đặc biệt, áp dụng với 12 chỉ tiêu nữ, trong đó có 3 chỉ tiêu nữ ngành ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh và 9 chỉ tiêu nữ của Đại học Phòng cháy Chữa cháy. Đối với những ngành này có điểm chuẩn trên 30 điểm. Đây là hiện tượng cá biệt của kỳ thi năm nay", bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là bởi năm nay, số lượng môn thi trắc nghiệm được áp dụng nhiều hơn nên kết quả điểm thi cao hơn năm trước. Các thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, khi có điểm các em lại được thay đổi nguyện vọng. Tất cả nguyện vọng của các thí sinh trong đợt 1 được xét bình đẳng như nhau nên nhiều thí sinh có điểm cao thì gần như đều đổ xô vào những ngành top đầu như công an, quân đội.... Đây lại là những nơi có nhiều chế độ trong quá trình học, cầm chắc được vào biên chế Nhà nước. Điều đặc biệt là khối công an, quân đội năm nay bị giảm chỉ tiêu lớn so với năm trước. Do có tác động kép bởi những yếu tố trên nên xảy ra hiện tượng thí sinh điểm cao vẫn trượt.

"Trong cả kỳ thi vừa qua, chỉ có 13 thí sinh mà 3 môn đều đạt điểm 10 tuyệt đối. Trong khi đó, với kỳ thi của Hoa Kỳ - mô hình mà chúng ta đang học hỏi, họ thống kê có tới 0,3% đạt mức điểm tuyệt đối. Có nhiều năm, những người đạt điểm tuyệt đối cũng không thể đỗ vào đại học top đầu, người ta cho đó là việc bình thường chứ không bất thường. Ở Việt Nam, năm nay là lần đầu tiên điều đó xảy ra nên mọi người xem nó là việc bất thường", bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết thêm.

"Ngoài ra, chúng ta cần hiểu điểm của kỳ thi là điểm đánh giá kiến thức thí sinh trong một kỳ thi, điểm xét tuyển là đánh giá tương quan giữa người tham gia xét tuyển với những người cùng tham gia xét tuyển, ví dụ như ngành ngôn ngữ Anh của Học viên An ninh chỉ lấy 3 chỉ tiêu, nhưng nếu ngành này lấy 30 chỉ tiêu thì mọi việc đã khác".

Trong khi đó, với việc nhiều trường đại học, cao đẳng có điểm xét tuyển quá thấp, thậm chí dưới 10 điểm, ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đưa ra những phân tích khá thực tế.

"Việc có khoảng cách giữa các trường về chất lượng đào tạo, thương hiệu của trường trong xã hội luôn tồn tại. Song kết quả kỳ thi xét tuyển đại học năm nay thì chưa phản ánh đầy đủ vấn đề này", ông Phạm Tất Thắng nói.

"Trong các trường công an, quân đội, có trường không thuộc top đầu nhưng điểm vẫn cao, còn các trường kỹ thuật top đầu song lại không hấp dẫn thí sinh. Rõ ràng, qua kết quả xét tuyển này cũng thể hiện sức hút của các trường cả về chất lượng đào tạo và thương hiệu, đồng thời phản ánh sức hấp dẫn của ngành nghề".

Đồng ý với quan điểm của ông Phạm Tất Thắng, bà Nguyễn Thị Kim Phụng đã bổ sung yếu tố thị trường, chế độ chính sách Nhà nước khi phân tích nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều ngành không hấp dẫn thí sinh.

"Chúng tôi cho rằng ở thời điểm quyền tự do được đề cao, các em đã có nhiều thông để lựa chọn và vì vậy, yếu tố thị trường cũng chi phối nhiều hơn. Tôi cũng đồng ý với quan điểm cho rằng việc có nhiều ngành mà điểm xét tuyển thấp không chỉ là bởi thương hiệu của trường mà còn nằm ở sự hấp dẫn của ngành nghề trong xã hội. Về phương diện Nhà nước, vấn đề nằm ở chế độ chính sách của Nhà nước với ngành nghề đó. Câu hỏi sau khi ra trường thì tương lai của mình như thế nào đã được thí sinh nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn ngay từ đầu", bà Nguyễn Thị Kim Phụng phân tích thêm.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, quý độc giả quan tâm có theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video trên đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước