Phí và lệ phí: Bài toán khó sẽ giải quyết khi có Luật?

Theo SKBL-Thứ bảy, ngày 20/06/2015 13:04 GMT+7

VTV.vn - Phí và lệ phí - vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong kì họp vừa qua - cũng chính là chủ đề của chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này.

Tình trạng phí chồng phí đối với các mặt hàng nông sản là những hiện tượng không mới trong quản lý hành chính ở Việt Nam. Những năm qua, người dân, báo chí và các đại biểu Quốc hội đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. Phản hồi những góp ý này, các cơ quan quản lý đều cam kết sẽ rà soát để bỏ bớt các khoản thu phí không hợp lý. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn không thuyên giảm.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, câu chuyện về một con gà thịt phải chịu 14 lần đóng phí kiểm dịch đã khiến chủ đề về phí và lệ phí một lần nữa trở thành một đề tài nóng bỏng. Và mới đây, một trong những vấn đề tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại nghị trường là nội dung Danh mục Phí và Lệ phí trong Dự thảo Luật phí và Lệ phí trình Quốc hội.

Chia sẻ trong chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này, theo ông Lê Nam - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, việc thu phí và lệ phí không sai và hoàn toàn tuân thủ theo đúng quy định của Luật pháp. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến bài toán thu phí và lệ phí trở nên khó giải quyết là bởi chưa có một hệ thống pháp luật quy định đầy đủ, công khai, minh bạch và rõ ràng về vấn đề này.

“Từ chuyện luật pháp chưa công khai minh bạch đã dẫn tới tình trạng nhiều cơ quan cùng lúc có thẩm quyền ban hành thông tư về phí và lệ phí. Chuyện có đến 2 Bộ cùng ra thông tư thu lệ phí về con gà là ví vụ điển hình nhất cho điều này” - ông Lê Nam lý giải thêm về nguyên nhân của vấn đề thu phí và lệ phí hiện nay- “Bên cạnh đó, người dân ở cơ sở hiện phải đóng rất nhiều khoản phí nhưng lại không phân biệt được đâu là phí, đâu là lệ phí, không kiểm soát được nó đúng với luật pháp hay không. Cuối cùng là vấn đề ở sự phối hợp giữa các cơ quan cấp bộ ngành, địa phương. Chuyện có đến 14 loại phí thu cho một con gà phải đến khi họp Quốc hội mới giải quyết đã cho thấy khả năng xử lý, phản hồi thông tin của chúng ta đang có vấn đề”.

Ông Lê Nam - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Phí và lệ phí ngày 18/6, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc nâng “Pháp lệnh Phí và lệ phí” lên thành “Luật Phí và lệ phí” nhằm khắc phục những tồn tại vướng mắc của pháp luật phí, lệ phí hiện hành, loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết, nâng cao điều kiện sống của người dân. Vì theo các đại biểu, thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều loại phí, lệ phí bất hợp lý và không cần thiết, gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội. Song, câu hỏi được đưa ra là liệu sự ra đời của Luật Phí và lệ phí có giải quyết được vấn đề này?

Ông Lê Nam đánh giá, dự án luật lần này là sự đổi mới được đại bộ phận cử tri và người dân hoan nghênh.

“Từ 300 loại xuống 100 loại phí là sự thu gọn rất nhiểu. Tôi rất hoan nghênh điều đó” - ông Lê Nam cho biết - “Ngay trong dự án lần này, Chính phủ đã có nhiều nét đổi mới, từ việc phân định rạch ròi giữa phí và giá cho đến cách thức làm luật được tổ chức khoa học. Tôi tin rằng sau khi ban hành Luật, câu chuyện phí và lệ phí sẽ được giải quyết hiệu quả”.

Cho đến giờ, Quốc hội vẫn tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo luật phí và lệ phí từ các đại biểu Quốc hội. Cùng những sự đổi thay tích cực trong thời gian tới, có lẽ những vấn đề liên quan tới phí và lệ phí sẽ không còn là gánh nặng đè lên vai người dân và doanh nghiệp.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước