Từ Ngôi nhà hạnh phúc đến thách thức chăm sóc 170.000 trẻ em cần bảo trợ

SKBL-Thứ bảy, ngày 04/07/2015 12:14 GMT+7

Tương lai của các bé sống tại Ngôi nhà hạnh phúc sẽ đi về đâu khi nơi cu trú suốt nhiều năm qua của các em bị đóng cửa (Ảnh: H.Vy/Thanh niên)

VTV.vn - Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay ở Việt Nam, số trẻ cần bảo trợ xã hội lên tới 170.000 em. Đây là một thách thức không hề nhỏ.

Thời gian gần đây, việc Ngôi nhà hạnh phúc tại TP.HCM phải đóng cửa sau 9 năm hoạt động đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Ngôi nhà hạnh phúc là tên gọi của một cơ sở nuôi trẻ gồm 32 em bị bỏ rơi, mồ côi, trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Và, cũng như nhiều cơ sở khác trong cả nước, Ngôi nhà hạnh phúc hoạt động không có giấy phép trong một thời gian khá dài mặc dù hoạt động công khai và được sự chung tay giúp đỡ của nhiều người có tấm lòng thiện nguyện.

Vào ngày 2/7, UBND TP.HCM đã gửi công văn đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM yêu cầu chấm dứt hoạt động của Ngôi nhà hạnh phúc, giải quyết hồi gia đối với các trẻ có gia đình và chuyển những trẻ mồ côi vào các cơ sở bảo trợ xã hội do nhà nước quản lý.

Câu hỏi mà nhiều người băn khoăn nhất vào lúc này, đó là 32 em nhỏ sẽ ra sao khi Ngôi nhà hạnh phúc của chúng bị giải tán? Và liệu các em có hạnh phúc hơn khi sống tại nơi ở mới?

Để bàn luận sâu hơn về vấn đề này, Sự kiện và Bình luận đã mời tới hai vị khách mời đặc biệt là ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và bà Lê Hồng Loan – Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam.

Trong suốt 9 năm hoạt động, Ngôi nhà hạnh phúc chưa bao giờ nhận được những phản ánh tiêu cực về việc chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, cơ sở này lại bị buộc phải đóng cửa trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Lý giải về điều này, ông Tô Đức cho biết theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, ngay từ năm 2013, UBND xã Bình Hưng đã tổ chức những đoàn kiểm tra làm việc với Ngôi nhà hạnh phúc. Sau nhiều cuộc kiểm tra, cơ sở Ngôi nhà hạnh phúc bị kết luận không đủ điều kiện chăm sóc các cháu.

Ngoài việc phần lớn trong số các em hiện đang sinh sống tại Ngôi nhà hạnh phúc không còn nằm trong độ tuổi thiếu nhi, cơ sở còn không có cán bộ chăm sóc chuyên nghiệp, không có cán bộ chăm y tế và cơ sở vật chất quá tải. Và, theo ông Tô Đức, những lý do này đã dẫn đến quyết định yêu cầu đóng cửa cơ sở Ngôi nhà hạnh phúc của UBND TP.HCM.

Nói về hoàn cảnh của 32 em sau khi Ngôi nhà hạnh phúc đóng cửa, ông Tô Đức chia sẻ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản 2536 đề nghị UBND TP.HCM đưa ra giải pháp đảm bảo quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và học tập của các em không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, ông Tô Đức khẳng định việc sớm ổn định tâm lý, tình cảm của các em cũng là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Là người có nhiều kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế trong vấn đề bảo vệ trẻ em, bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam nói: “Còn nhiều cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đang nỗ lực tham gia vào công tác chăm sóc trẻ em không gia đình, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, chất lượng chăm sóc và tiêu chuẩn chăm sóc của những cơ sở này lại chưa đạt chuẩn. Đây là một thách thức đang đặt ra cho xã hội Việt Nam vì thực tế, số trẻ em cần bảo trợ xã hội ở nước ta lên tới 170.000 em, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội”.

Bên cạnh đó, bà Lê Hồng Loan cũng ghi nhận tấm lòng của anh Hoàng, chị Vân – chủ cơ sở Ngôi nhà hạnh phúc. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng của Ngôi nhà hạnh phúc, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF cho rằng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có các vấn đề về đáp cứng cơ bản điều kiện sống, tính riêng tư của trẻ. Chính vì vậy, theo bà Lê Hồng Loan, sự vào cuộc của UBND TP.HCM là cần thiết.

Cùng lắng nghe các chia sẻ của khách mời về việc đóng cửa Ngôi nhà hạnh phúc qua video dưới đây:

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước