10 vấn đề về hiến máu nhân đạo

Tuấn Bảo, icon
09:25 ngày 13/06/2018

VTV.vn - Ngày 14/6 hàng năm là ngày Hiến máu thế giới, là ngày mà cả thế giới cùng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sự cần thiết của máu và chế phẩm của máu.

Hình minh họa

Ai cũng biết truyền máu giúp cứu sống nhiều người không may mắc những bệnh lý nặng và nguy kịch, nhưng có một thực tế đang diễn ra khi nhiều bệnh nhân cần truyền máu nhưng không được tiếp cận kịp thời với máu an toàn. Nhu cầu truyền máu trong cộng đồng có thể phát sinh bất cứ lúc nào ở cả thành thị và nông thôn. Người hiến máu tự nguyện chính là nguồn đảm bảo cung ứng máu đầy đủ và đáng tin cậy, tỷ lệ nhiễm trùng trong máu là thấp nhất từ những người hiến máu này.

Dưới đây là 10 vấn đề về hiến máu nhân đạo và cung cấp máu và sản phẩm của máu trên toàn cầu được Tổ chức y tế thế giới công bố trong năm 2017:

Hiến máu giúp cứu người và cải thiện sức khỏe

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 112,5 triệu đơn vị máu được hiến tặng. Gần 47% số lượng đơn vị máu này là ở các nước có thu nhập cao, nơi chiếm dưới 19% dân số thế giới. Trên thế giới vẫn còn nhiều bệnh nhân cần truyền máu nhưng không được tiếp cận kịp thời với máu và các sản phẩm máu an toàn. Mỗi quốc gia cần đảm bảo đủ nguồn cung cấp máu và đảm bảo không để HIV, virus viêm gan và các bệnh nhiễm trùng khác có thể lây truyền qua truyền máu.

Nhiều bệnh lý có chỉ định truyền máu và có sự khác biệt giữa các nước

Ở các nước có thu nhập cao, bệnh nhân được truyền máu nhiều nhất là người trên 60 tuổi, chiếm tới 79% tổng số người được truyền máu, truyền máu được chỉ định nhiều trong phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật cấy ghép, chấn thương, ung thư và bệnh lý huyết học. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, truyền máu được chỉ định nhiều trong điều trị các biến chứng liên quan đến thai kỳ, sốt rét ở trẻ em, chấn thương.

Cung cấp đủ số lượng máu an toàn chỉ có thể có được khi đảm bảo việc hiến máu tự nguyện diễn ra thường xuyên

Máu và sản phẩm của máu từ những người hiến máu tự nguyện là an toàn nhất vì tỷ lệ nhiễm trùng thấp nhất. Mỗi quốc gia phải có hệ thống các trung tâm hiến máu và ngân hàng máu đảm bảo tiếp nhận máu đủ số lượng cần thiết từ những người hiến máu tình nguyện, đảm bảo cung ứng kịp thời máu và các sản phẩm máu an toàn cho người bệnh.

57 quốc gia có 100% nguồn cung cấp máu từ người hiến máu tình nguyện

74 quốc gia đảm bảo 90% nguồn cung cấp máu từ những người hiến máu tình nguyện, trong số này có 57 quốc gia đảm bảo 100% nguồn cung cấp máu là từ những người hiến máu tình nguyện (số liệu năm 2013). Nhưng còn 71 quốc gia có dưới 50% nguồn cung cấp máu từ người hiến máu tình nguyện, phần lớn nguồn cung cấp máu vẫn phụ thuộc vào máu của người trong gia đình và người hiến máu có điều kiện.

Khoảng 112,5 triệu đơn vị máu được hiến tặng trên toàn cầu mỗi năm

Trong đó, khoảng 50% tổng số đơn vị máu thu nhận được trên toàn cầu là từ các nước có thu nhập thấp và trung bình, chiếm 80% dân số trên thế giới. Tỷ lệ hiến máu trung bình ở các nước thu nhập cao lớn hơn 9 lần so với các nước có thu nhập thấp.

Số lượt người hiến máu tại các trung tâm hiến máu nhân đạo khác nhau giữa các quốc gia có mức thu nhập khác nhau

Theo báo cáo của 10.000 trung tâm hiến máu tại 168 quốc gia, hàng năm có 83 triệu lượt người hiến máu. Số lượt người hiến máu trung bình hàng năm tại mỗi trung tâm là 15.000 lượt tại các nước có thu nhập cao, trong khi tại các nước có thu nhập trung bình và thấp chỉ có 3.100 lượt.

Tỷ lệ người dân tham gia hiến máu tình nguyện cao nhất ở các nước có thu nhập cao

Tỷ lệ người hiến máu trung bình ở các nước có thu nhập cao là 32,1/1.000 người dân mỗi năm. Trong khi tại các nước có thu nhập trung bình tỷ lệ này là 7,8/1.000 người dân, và chỉ 4,6/1.000 người dân ở các nước có thu nhập thấp.

Máu hiến tặng phải được sàng lọc

Tất cả đơn vị máu hiến tặng phải được sàng lọc các tác nhân gây bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C và giang mai trước khi cung ứng cho các cơ sở y tế sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn 35 quốc gia không thể sàng lọc tất cả sản phẩm máu được hiến tặng cho tất cả loại mầm bệnh, xét nghiệm sàng lọc không đáng tin cậy do bộ dụng cụ sàng lọc không được cung cấp thường xuyên, thiếu nhân viên, thiết bị sàng lọc hoặc chất lượng phòng xét nghiệm kém.

Một đơn vị máu của người hiến tặng có thể có ích cho nhiều bệnh nhân

Tách máu hiến tặng thành các thành phần khác nhau và chỉ cung cấp cho bệnh nhân thành phần máu cần thiết, do đó một đơn vị máu có thể có lợi cho nhiều bệnh nhân. Khoảng 97% lượng máu thu được ở các nước thu nhập cao, 75,5% ở các nước có thu nhập trung bình và 50% ở các nước thu nhập thấp được chiết tách thành các sản phẩm của máu.

Lạm dụng chỉ định truyền máu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho bệnh nhân

Chỉ định thường truyền máu nên trì hoãn khi có phương pháp điều trị thay thế đơn giản và an toàn hơn. Chỉ định truyền máu khi chưa thật sự cần thiết sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng do truyền máu như HIV, viêm gan và các phản ứng bất lợi khác của truyền máu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục