15 câu hỏi thường gặp về tiêm phòng sởi

Chương trình tiêm chủng mở rộng, icon
11:49 ngày 21/04/2014

Tại sao phải tiêm hai liều vắc xin sởi? Có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm vắc xin sởi? Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi không? Đó là một số trong rất nhiều những thắc mắc của các bà mẹ về tiêm phòng sởi.

1. Tiêm phòng sởi có tác dụng như thế nào?

Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm virus sởi, bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon.

2. Tiêm vắc xin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi?

- Cũng như các vắc xin khác, tiêm vắc xin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%.

- Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắc xin, loại vắc xin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.

3. Miễn dịch sau tiêm vắc xin sởi có bền vững suốt đời?

Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vắc xin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.

4. Tại sao phải tiêm hai liều vắc xin sởi?

- Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm vắc xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vắc xin...

- Việc tiêm mũi thứ vắc xin sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.

- Tiêm mũi thứ hai không nhằm mục đích làm tăng hiệu giá kháng thể đối với những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch.

5. Có nên tiêm vắc xin đối với người đã từng mắc sởi?

- Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm vắc xin sởi.

- Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm vắc xin sởi.

6. Vắc xin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với virus sởi không?

- Virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vắc xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc.

- Việc tiêm vắc xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.

7. Lịch tiêm vắc xin sởi?

- Đối với tiêm vắc xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau:

Trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

Trong tiêm chủng chiến dịch: thực hiện tiêm vắc xin cho tất cả các đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.

Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc xin sởi là 1 tháng.

- Đối với vắc xin tiêm chủng dịch vụ: tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tất cả các lứa tuổi đều có thể tiêm vắc xin sởi.

- Cần tiêm mũi thứ hai vào lúc 18 tháng tuổi bởi vì: các trường hợp sau tiêm mũi thứ nhất chưa có đáp ứng miễn dịch cần sớm được tiêm mũi thứ hai. Tiêm nhắc vắc xin DPT4 được thực hiện cho trẻ 18 tháng nên để tăng tỷ lệ trẻ tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi cần lồng ghép hoạt động. Việc lồng ghép náy nhằm làm giảm khối lượng công việc cho cán bộ y tế, giảm chi phí và tăng hiệu quả triển khai.

8. Có thể tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trên 18 tháng tuổi không?

- Chỉ tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình TCMR trong trường hợp cần thiết. Tất cả các trường hợp tiêm vắc xin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay vắc xin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là 1 mũi vắc xin.

- Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.

9. Có tiêm vắc xin khi đang bị sốt, nhiễm trùng cấp tính hay không?

Các trường hợp sốt, nhiễm trùng cấp tính đang tiến triển cần tạm hoãn tiêm. Khi khỏi có thể tiêm được.

10. Có tiêm vắc xin cho các trường hợp bị vẹo vách mũi, nhỏ quá (ốm) không?

Có thể tiêm vắc xin cho các trường hợp này.

11. Có tiêm vắc xin sởi đối với trẻ còn bú sữa mẹ không?

Có thể tiêm vắc xin sởi cho trẻ bú sữa mẹ.

12. Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi?

Có. Kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.

13. Có thể tiêm vắc xin sởi cùng với vắc xin DPT, viêm gan B... không?

Có thể tiêm vắc xin sởi cùng với vắc xin DPT, viêm gan B hay vắc xin phòng uốn ván mà vẫn đảm bảo hiệu lực của vắc xin nhưng nên tiêm ở hai chi khác nhau.

14. Tiêm vắc xin sởi có thể bị nhiễm virus sởi không?

Có, bởi vì vắc xin chứa virus sởi đã bị làm yếu nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp sau tiêm vắc xin bị mắc sởi. Triệu chứng thường nhẹ. Những người này không gây lây nhiễm vi rút cho người khác nên không cần cách ly.

15. Có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm vắc xin sởi?

- Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vắc xin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm…Hầu hết những tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.

- Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin sởi là rất hiếm gặpnhưng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm. Các cơ sở y tế đều sẵn có thuốc điều trị và biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng này. Các phản ứng quá mẫn này sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
Cùng chuyên mục