Ăn bánh chưng, dưa hành ngày Tết sao cho đúng

Minh Đức, icon
05:02 ngày 25/01/2017

VTV.vn - Một bữa cơm Tết không thể thiếu đĩa bánh chưng cùng dưa hành muối, nhưng ăn hai món này như thế nào cho đúng và tốt cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Vào ngày Tết, bánh chưng và dưa hành là những thứ không thể thiếu trên mâm cỗ. Đây là hai món ăn mang đậm truyền thống và văn hóa của Việt Nam, rất giàu dinh dưỡng và năng lượng. Những bữa cơm ngày Tết không thể thiếu đĩa bánh chưng cùng dưa hành muối, nhưng ăn hai món này như thế nào cho đúng và tốt cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Ăn bánh chưng, dưa hành ngày Tết sao cho đúng - Ảnh 1.

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Hoài Dung (BV Nhiệt Đới TƯ) cho hay: "Đối với tất cả các loại đồ ăn, nếu chúng ta ăn nhiều thì dù nó bổ hay không bổ thì cũng không tốt cho sức khỏe. Bánh chưng, bánh tét là loại thực phẩm thường có trong ngày Tết. Thành phần tinh bột của gạo nếp dùng làm bánh có chất amilopectin làm nên tính dẻo là chất khó hòa tan, khi ăn nhiều dễ gây khó tiêu. Ngoài ra, về độ dinh dưỡng thì gạo nếp làm bánh chưng giống như gao tẻ nấu cơm, nhưng trong bánh chưng còn có đậu xanh, thịt mỡ nên giá trị dinh dưỡng sẽ rất cao. Nếu ăn quá nhiều mà không có sự vận động cơ thể thích hợp thì dễ gây tích tụ năng lượng trong cơ thể, sẽ không tốt. Vì vậy không nên quá nhiều bánh chưng ngày Tết dù nó ngon".

Còn về món dưa hành muối, nhiều người thường cho rằng khi ăn nhiều bánh chưng thì chỉ cần ăn nhiều dưa hành muối thì sẽ giúp chống ngán và giảm thiểu tình trạng khó tiêu. Bác sĩ Dung cho biết: "Thực tế, dưa muối chứa những men vi sinh rất tốt, khi ăn vào sẽ kích thích làm quá trình tiêu hóa nhanh hơn. Nếu ăn dưa hành cùng với bánh chưng giúp chống ngán và dễ tiêu thì không hề sai. Nhưng như tôi đã nói, nếu ăn quá nhiều một món nào đó dù nó bổ hay không thì cũng sẽ không tốt".

Ăn bánh chưng, dưa hành ngày Tết sao cho đúng - Ảnh 2.

Bác sĩ Dung cũng lưu ý nếu các gia đình ăn dưa hành muối vào dịp Tết thì phải ăn dưa lúc chín tới, không nên ăn quá sớm hoặc lúc dưa đã bị khú. Khi muối dưa không đảm bảo vệ sinh sẽ thấy hũ dưa nổi váng trên bề mặt và chứa vi khuẩn gây bệnh. Còn nếu ăn dưa xanh hoặc khú thì có thể sẽ gây ung thư. "Bạn chỉ nên ăn dưa hành muối đã chín tới, khi muối cần đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ nên ăn với số lượng vừa phải, đảm bảo sự ngon miệng thôi vì nếu ăn quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến dạ dày".

Cũng theo bác sĩ Dung, nhiều gia đình thường nấu các món xào nhiều dầu mỡ trong dịp Tết, để đảm bảo sức khỏe, người ăn nên cân bằng được lượng thực phẩm đưa vào cơ thể mình và chú ý đến tình trạng sức khỏe liệu có phù hợp để ăn món đó hay không.

"Riêng những món có đồ nếp như bánh chưng thì người bị đau dạ dày nên tránh ăn. Về đồ nếp có thành phần khó tiêu trong khi dịch vị của người đau dạ dày không được tốt. Những người bị tăng huyết áp cũng nên hạn chế đồ nếp. Còn những món xào nhiều dầu mỡ thì tất cả những người có bệnh liên quan đến chuyển hóa, ví dụ như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu thì không được ăn những món này" - bác sĩ Dung cũng chia sẻ thêm, trong mỗi bữa cơm nên có thêm các món chế biến từ rau củ để bỏ sung được chất xơ, vitamin, cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục