Bà Rịa-Vũng Tàu: Kiểm soát chặt vùng có sốt rét lưu hành

Theo TTXVN, icon
06:00 ngày 23/04/2015

VTV.vn - Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các vùng có sốt rét.

Ảnh minh họa.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn 16 xã, với hơn 155.300 người trong vùng sốt rét nhẹ và 3 xã với gần 33.800 người trong vùng sốt rét vừa, 40 xã là vùng sốt rét có nguy cơ quay trở lại.

Tuy không còn phổ biến như trước nhưng hàng năm số bệnh nhân mắc bệnh sốt rét vẫn được ghi nhận ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh. Cụ thể: Năm 2012, toàn tỉnh có 301 bệnh nhân, năm 2013 ghi nhận 297 bệnh nhân, năm 2014 là 237 ca (giảm 20,2% so với năm 2013).

Ngành y tế tỉnh nhận định, sốt rét vẫn có thể tái nhiễm ở bệnh nhân được cho là đã điều trị khỏi hoặc ở những đối tượng nguy cơ đến từ vùng có sốt rét. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, nhưng việc phòng, chống sốt rét khá đơn giản nếu cộng đồng cùng thực hiện tốt khuyến cáo của ngành y tế như: diệt muỗi, côn trùng, tẩm mùng, phun tồn lưu trên bề mặt tường nhà và xung quanh bằng hóa chất diệt muỗi, bôi kem chống muỗi, ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, khơi thông cống rãnh, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và môi trường xung quanh. Khi có triệu chứng nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm, điều trị kịp thời, tránh biến chứng hoặc trở nặng và phòng lây nhiễm cho người xung quanh.

Ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang triển khai nhiều biện pháp giám sát dịch tễ. Thời gian qua, chương trình đã tập trung giám sát dịch tễ đối với những đối tượng có nguy cơ cao, đa số đến từ những địa phương đang có sốt rét nặng như các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh khác tới Bà Rịa-Vũng Tàu làm ăn theo mùa vụ tại các vườn cao su, cà phê.

Ngoài ra, ngành y tế tỉnh tiến hành các biện pháp giám sát côn trùng, thực hiện điều tra, giám sát côn trùng định kỳ hàng tháng tại các điểm định kỳ và một số điểm không định kỳ để kịp theo dõi biến động của muỗi Anopheles, giúp cho công tác dịch tễ có biện pháp phòng, chống bệnh kịp thời; giám sát dịch tễ chặt chẽ các vùng trọng điểm về sốt rét; giám sát về điều trị và sử dụng thuốc, hóa chất; giám sát. Cùng với đó, tiến hành công tác bảo vệ người dân bằng các biện pháp tẩm màn, phun tồn lưu hóa chất, điều trị cắt cơn và điều trị đối tượng nguy cơ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục