Báo động tình trạng thiếu hụt i-ốt quay trở lại Việt Nam

Thủy Nguyễn, icon
02:26 ngày 02/12/2016

VTV.vn - Đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, trừ khi các hành động dự phòng được thực hiện kịp thời, nếu không các rối loạn do thiếu i-ốt có thể xảy ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.

Sáng 2/12, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo tư vấn liên ngành về tái thiết lập, củng cố chương trình Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt và triển khai quy định về muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, từ năm 1994, chương trình Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt đã được thiết lập và triển khai. Sau 10 năm triển khai, đến năm 2005 Việt Nam đã là một trong những nước đi đầu trong công cuộc loại trừ tình trạng các rối loạn do thiếu hụt i-ốt. Một trong những giải pháp chính để tạo nên thành công đáng ghi nhận của chương trình là có chính sách, luật pháp về muối ăn, muối sử dụng trong thực phẩm đều phải được trộn i-ốt; với các chiến lược vận động toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt.

Với những kết quả đạt được, từ năm 2005, Việt Nam chuyển dần từ chương trình mục tiêu quốc gia sang hoạt động thường xuyên của ngành y tế, cùng với sự thay đổi về luật pháp, dẫn đến tình trạng trên thị trường tồn tại dạng muối thường và gia vị mặn thường là muối và gia vị mặn không trộn i-ốt, dẫn đến tình trạng báo động về thiếu hụt i-ốt lại quay trở lại Việt Nam. Theo kết quả điều tra trẻ em từ 8-10 tuổi toàn quốc năm 2014 cho thấy, tỷ lệ bướu cổ là 9,8%.

Cũng tại hội thảo, đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, thiếu i-ốt có thể dẫn tới thai lưu, sẩy thai và bướu cổ. Nó cũng góp phần gây ra nhận thức kém, học tập khó khăn ở trẻ em. Có thể thấy rõ rằng đủ i-ốt là nền tảng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của thế hệ tiếp theo.

"Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều biết một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để chấm dứt tình trạng thiếu i-ốt đó là muối i-ốt. Khi lượng i-ốt vào người được tăng lên thông qua tiêu thụ muối i-ốt, kết quả của nó thật ấn tượng" - đại diện UNICEF Việt Nam chia sẻ.

Đại diện UNICEF Việt Nam cũng cho biết, số liệu gần đây cho thấy, Việt Nam đang ở trong một tình trạng đáng lo ngại vì các rối loạn do thiếu i-ốt có thể sẽ quay lại Việt Nam. Trừ khi các hành động dự phòng được thực hiện kịp thời, nếu không các rối loạn do thiếu i-ốt có thể xảy ra, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ cao như Hà Nội, TP. HCM, ĐBSCL, nơi việc tiêu thụ muối i-ốt đã giảm ở mức báo động. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế và các Bộ liên quan khác để giải quyết thách thức này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, đứng trước tình hình thực tiễn về tình trạng thiếu hụt i-ốt, Bộ Y tế, Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan đã rà soát, đánh giá thực thi các chính sách luật pháp liên quan đến vấn đề này và đã đề xuất giải pháp bền vững về chính sách, luật pháp để bảo đảm muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt thông qua ban hành Nghị định 09 bởi Chính phủ. 

I-ốt là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động của tuyến giáp, sự tăng trưởng và phát triển. Thiếu i-ốt là một vấn đề y tế công cộng đối với mọi người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, là một mối đe dọa cho sự phát triển xã hội và kinh tế của quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục