Bé trai 12 tuổi thoát thoái hóa khớp nhờ phẫu thuật vẹo khuỷu tay kịp thời

Tuấn Bảo, icon
02:11 ngày 24/06/2018

VTV.vn - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) vừa phẫu thuật điều trị vẹo khuỷu tay trái cho bé trai 12 tuổi bằng phương pháp đục xương chỉnh trục kết hợp xương và bó bột.

Tay bé trai trước phẫu thuật.

Người nhà cho biết, em N.M.T. (12 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) bị ngã lúc 3 tuổi và 5 tuổi, đã bó bột điều trị tại địa phương. Tuy vậy, sau khi tháo bột tay trái của em còn bị vẹo trong. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự vận động, tính thẩm mỹ và tâm lý. Em T. thường mặc cảm so với bạn bè đồng trang lứa. Sau khi tìm hiểu, người nhà đã đưa em đến khám tại phòng khám Chấn thương chỉnh hình nhi tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á.

Qua thăm khám, bác sĩ Phan Văn Tiếp, chuyên gia lĩnh vực chấn thương chỉnh hình nhi tại bệnh viện đã giải thích cần phẫu thuật sớm để điều trị tình trạng khuỷu tay vẹo trong cho em nhằm tránh tình được nguy cơ thoái hóa khớp sớm. Điều này còn cải thiện tình trạng khó khăn trong việc vận động sinh hoạt hàng ngày và giúp em tự tin hơn trong cuộc sống.

Bé trai 12 tuổi thoát thoái hóa khớp nhờ phẫu thuật vẹo khuỷu tay kịp thời - Ảnh 1.

Ảnh sau phẫu thuật chưa đóng da - bệnh nhân không bị giới hạn vận động.

Các bác sĩ đã phẫu thuật bằng phương pháp đục xương chỉnh trục, kết hợp xương bằng dụng cụ chuyên dụng. Sau cùng là bó bột khuỷu tay. Sau phẫu thuật, tay trái của em T. được chỉnh hết vẹo và giống như tay lành bên phải, đồng thời không mất tầm hoạt động khuỷu tay.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp cho biết thêm: So với quan niệm cũ, phẫu thuật vẹo khuỷu tay ở độ tuổi 11-12 tuổi là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay phẫu thuật vẹo khuỷu tay ở trẻ nhỏ trong độ tuổi 7-8 tuổi là thích hợp nhất. Vì độ tuổi này mặt khớp chưa biến dạng khi phẫu thuật sẽ dễ dàng hơn và nhanh lành vết thương. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thoái hóa khớp sớm gây đau nhiều hoặc thậm chí sẽ rất khó khăn trong vận động sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Trẻ em thường hiếu động chơi đùa, leo trèo, chạy nhảy… do chưa có ý thức bảo vệ nên dễ xảy ra tai nạn. Trong đó, gãy vùng khuỷu phổ biến nhất. Vì vậy, khi gặp những trường hợp trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám và điều trị tại các bệnh viện lớn có đầy đủ chuyên khoa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục