Bệnh lác ở trẻ phát hiện sớm có thể chữa khỏi

Nguyệt Ánh, icon
03:59 ngày 06/07/2013

Bệnh lác hay lé mắt là bệnh phổ biến ở nước ta, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lác có thể chữa khỏi. Ngược lại, nếu để quá muộn bệnh lác có thể ảnh hưởng nặng tới thị lực của trẻ.

Theo số liệu thống kê của viện Mắt Trung ương, ở nước ta có tới khoảng 2 - 3 triệu người bị lác. Điều đáng nói là hiện tượng lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều gia đình đưa trẻ đi khám, chữa muộn, gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì thực tế có đến 70% trẻ lác mắt có kèm các tật khúc xạ. Phát hiện và điều trị sớm mới hi vọng tìm lại đôi mắt đẹp về thẩm mỹ và tốt về chức năng.

Trường hợp cháu bé 3 tuổi quê tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội tới khám tại bệnh viện mắt Trung ương là một ví dụ. Cách đây vài tháng, gia đình mới phát hiện cháu có dấu hiệu hay nhìn lệch, hai mắt nhìn theo 2 hướng khác nhau. Đến khi đi khám, bác sĩ còn phát hiện cháu bị tật viễn thị nặng, đây là triệu chứng điển hình của những trẻ bị lác. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nhược thị và rối loạn thị giác. Cũng có trẻ có biểu hiện kín đáo, đến lúc lớn, qua thăm khám mới phát hiện ra.

‘ Nếu không được điều trị kịp thời, mắt lác có thể bị nhược thị và có khả năng mất thị lực cả 2 mắt. (Ảnh minh họa)


Chị Tạ Thị Thắm, huyện Phú Xuyên, Hà Nội - mẹ cháu bé cho biết: “Lúc mới sinh thì gia đình tôi không phát hiện ra, cho tới tầm 4 – 5 tháng trở lại đây thấy em bé nhìn nghiêng, lộn lòng trắng, thì mới đến khám tại bệnh viện và phát hiện ra bị bệnh”.

Tỷ lệ chữa được lác khá cao, tuy nhiên khả năng này còn phụ thuộc vào việc trẻ có được điều trị sớm hay không. Trước khi tiến hành điều trị, trẻ cần được đánh giá về chức năng của mắt, đo độ lác, chẩn đoán hình thái và các biểu hiện bất thường của nhãn cầu.

Bác sĩ Phạm Xuân Tịnh, Khoa Mắt trẻ em, bệnh viện Mắt trung ương cho biết: “Khi các bậc cha mẹ thấy mắt của cháu bất thường như mắt nhìn lệch thì cần đưa trẻ đi khám mắt ngay, đó là trường hợp bị lác. Lời khuyên cho bố mẹ là đối với tất cả các trẻ, kể cả những trẻ bình thường trước tuổi đi học cần phải được đưa đi khám mắt ít nhất 1 lần. Trông có vẻ bình thường nhưng có thể trẻ sẽ có tật khúc xạ gây ra nhược thị thì điều trị càng sớm càng tốt.

Đối với những ca lác đơn thuần phải có phác đồ điều trị riêng gồm 3 bước: chỉnh thị, phẫu thuật điều trị lệch trục nhãn cầu và điều trị phục hồi thị giác. Trên thực tế, có bệnh nhân bị một mắt nhưng lại phải mổ 2 mắt và ngược lại, có trường hợp lác 2 mắt mà chỉ cần mổ 1 mắt vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố liên quan.

‘ Điều trị sớm bệnh lác có thể giúp trẻ lấy lại thị lực và thẩm mỹ đôi mắt. (Ảnh minh họa)


Bác sĩ Phạm Xuân Tịnh cho biết thêm: “Ban đầu sẽ kiểm tra và đánh giá độ lác của mắt, sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra khúc xạ của trẻ, nếu trẻ bị tật khúc xạ sẽ được đeo kính. Sau khi đeo kính lại tiếp tục kiểm tra thị lực của trẻ nếu thị lực kém có nghĩa mắt đó đã bị nhược thị.

Khi bị nhược thị, trẻ phải tập nhược thị để mắt được phục hồi thị lực, sau đó mới mổ, phẫu thuật là bước cuối cùng để chỉnh lại độ lác. Trong tập nhược thị, đầu tiên trẻ phải đeo kính và phải bịt mắt lành để kích thích mắt kém. Kích thích mắt kém có nhiều phương pháp, ví dụ trộn gạo với lúa để trẻ nhặt, xâu chuỗi hạt cườm, tập vẽ, tập viết, tập đồ hình… mục đích là kích thích sử dụng mắt bên kém".

Nếu độ lác nhẹ có thể điều trị bằng cách luyện tập mắt cho trẻ, còn khi đã phải phẫu thuật là để điều chỉnh cho những trường hợp lệch trục nhãn cầu. Sau phẫu thuật, người bệnh còn cần tái khám để kiểm tra thị lực, chức năng thị giác và được hướng dẫn điều trị cho phù hợp giai đoạn phục hồi.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video chương trình Sống khỏe: Phát hiện và điều trị lác cho trẻ, để tìm hiểu thêm về bệnh lác.

MEDIA ITEM: width="420" height="235" file="Thoi su/Nam 2013/Thang 7/04072013_Dieu tri lac.mov" Phát hiện và điều trị lác cho trẻ

Cùng chuyên mục