Biến chứng cấp tính do tăng đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường

Tuấn Bảo, icon
10:33 ngày 09/04/2018

VTV.vn - Biến chứng cấp tính do tăng đường máu bao gồm nhiễm toan xeton và tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu.

Hình minh họa

Nhiễm toan xeton

Nhiễm toan xeton là tình trạng nhiễm toan do tăng sản xuất và tích tụ các thể xeton trong máu xảy ra khi có thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối, đi kèm theo tăng đường máu và mất nước. Nhiễm toan xeton nặng dẫn đến hôn mê nhiễm toan xeton.

Nhiễm toan xeton chủ yếu xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) týp 1 so với ĐTĐ týp 2. Tỷ lệ tử vong do hôn mê nhiễm toan xeton có thể từ 2% – 10%. Các nguyên nhân và yếu tố khởi phát nhiễm toan xeton thường gặp bao gồm: ĐTĐ không được chẩn đoán và điều trị, bỏ tiêm insulin, các bệnh cấp tính như nhiễm trùng nặng, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, chấn thương,…

Biểu hiện lâm sàng

Nhiễm toan xeton thường tiến triển nhanh từ vài giờ đến vài ngày.

- Các biểu hiện ban đầu: Uống nhiều, ăn nhiều, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, chuột rút và mắt đỏ.

- Các biểu hiện muộn: Sút cân, buồn nôn và nôn, đau bụng, các dấu hiệu mất nước, nhịp tim nhanh và hạ huyết áp, hơi thở có mùi xeton, rối loạn ý thức ở các mức khác nhau từ nhẹ đến hôn mê...

- Biểu hiện cận lâm sàng: tăng đường máu mức độ vừa đến cao, xeton niệu dương tính mạnh, xeton máu tăng, pH máu giảm, rối loạn điện giải.

- Điều trị: Hôn mê nhiễm toan xeton là một cấp cứu nội tiết cần điều trị kịp thời và tích cực bằng kết hợp Insulin, bù nước và điện giải, điều trị các yếu tố khởi phát.

Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu

- Khái niệm và nguyên nhân:

Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu là tình trạng tăng áp lực thẩm thấu xảy ra do tăng đường máu rất cao kèm theo tình trạng mất nước nặng, không có nhiễm toan xeton hoặc nhiễm toan xeton rất nhẹ. Tăng áp lực thẩm thấu nặng dẫn đến hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu.

Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu thường xảy ra nhiều hơn ở ĐTĐ týp 2 so với týp 1. Tỷ lệ tử vong do hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu có thể lên đến 15%. Các nguyên nhân và yếu tố khởi phát bao gòm: ĐTĐ týp 2 không được phát hiện và điều trị, bỏ thuốc điều trị ĐTĐ, nhiễm trùng và các bệnh cấp tính như nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não, chấn thương, sử dụng một số thuốc như lợi tiểu, corticoid.

- Biểu hiện lâm sàng

Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu diễn ra âm thầm và nặng dần trong thời gian từ vài ngày đến vài tuần. Các biểu hiện lâm sàng bao gồm: Uống nhiều, tiểu nhiều ở giai đoạn đầu, mất nước nặng, sút cân nhiều, tăng trương lực cơ, co giật khu trú hoặc lan rộng, rối loạn thị giác, các dấu hiệu tổn thương thần kinh khu trú, rối loạn ý thức từ mức độ nhẹ đến hôn mê sâu.

- Biểu hiện cận lâm sàng

Đường máu tăng rất cao, thường trên 30 mmol/L, đường niệu tăng cao, rối loạn điện giải, thường có tăng natri máu, ap lực thẩm thấu máu tăng > 320 mOsmol/kg cân nặng - pH > 7,30.

- Điều trị

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu một cấp cứu nội tiết cần điều trị kịp thời và tích cực bằng kết hợp: Bù nước và điều chỉnh điện giải, Insulin, điều trị các yếu tố khởi phát

Lưu ý: Bệnh nhân đái tháo đường khi có các biểu hiện lam sàng của biến chứng tăng đường máu cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Cùng chuyên mục