Biểu hiện và biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Minh Thư - Chúc Dương (Ban Thời sự), icon
06:00 ngày 23/05/2017

VTV.vn - Cục Y tế dự phòng đã đưa hướng dẫn nhận biết bệnh sốt xuất huyết và cách phòng chống bệnh.

Mùa hè là mùa bùng phát của dịch sốt xuất huyết do mưa nhiều, không khí nóng ẩm, muỗi dễ sinh sôi, phát triển. Đây là bệnh chưa có vaccine phòng và thuốc đặc trị. Bệnh nhân nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.

Một số biểu hiện của sốt xuất huyết gồm: sốt cao đột ngột 39 - 40oC, kéo dài 2 - 7 ngày; đau dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể nổi mẩn, phát ban. Người bệnh ở thể nặng sẽ bị xuất huyết tại nhiều vị trí trên cơ thể như: chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết trên da; người mệt mỏi li bì, chân tay tê lạnh, đau bụng, buồn nôn.

Khi có những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ, người bệnh có thể được chăm sóc tại nhà bằng cách: nằm nghỉ ngơi, cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt, cho ăn nhẹ (cháo, súp, sữa), dùng thuốc hạ sốt, chườm mát. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được theo dõi liên tục. Nếu thấy có diễn biến nặng hơn, người nhà phải đưa ngay đến bệnh viện.

Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt bằng cách sau:

- Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng;

- Thả cá vào lu, chum, vại, hồ nước, bể nước;

- Thay rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên;

- Thường xuyên thay nước bình hoa, đổ nước đọng tại khay nước, tủ lạnh;

- Bỏ muối, dầu hóa chất để diệt loăng quăng, bọ gậy;

- Lật úp các dụng cụ chứa nước khi chưa sử dụng;

- Ngủ mắc màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt;

- Phối hợp với ngành y tế trong các đợt phòng chống dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục