Các chỉ số dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm nói lên điều gì?

Trần Thu Nguyệt, icon
09:27 ngày 05/05/2018

VTV.vn - Các sản phẩm đóng gói thường được yêu cầu liệt kê các giá trị dinh dưỡng trên nhãn của thực phẩm, bạn cần phải biết một số các thông tin vì nó liên quan đến sức khoẻ.

Biết cách đọc nhãn thực phẩm có thể giúp bạn kiểm soát được bữa ăn của mình. Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản về cách đọc nhãn thực phẩm để có được các thông tin bạn cần. Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã tổng hợp những thông tin cơ bản từ Healthline để giúp bạn hiểu rõ hơn về các chỉ số này.

Tìm hiểu về khẩu phần

Ở phía trên cùng của các nhãn dinh dưỡng thực phẩm, bạn sẽ tìm thấy thông tin về khẩu phần. Đơn vị tính của khẩu phần đã được chuẩn hóa trên nhãn sản phẩm (ví dụ như số gam, một cốc, một gói, một phần ăn...). Điều này sẽ giúp cho việc so sánh giữa các loại sản phẩm tương tự nhau.

Việc chú ý đến số lượng khẩu phần trên nhãn sản phẩm là vô cùng quan trọng. Một số sản phẩm trông có vẻ như nó chỉ phục vụ một người nhưng thực ra sản phẩm đó có thể chứa lượng thực phẩm dành cho nhiều người.

Xem về lượng calo

Nằm ở phía gần trên nhãn sản phẩm, bạn cũng sẽ tìm thấy lượng calo chứa trong mỗi khẩu phần của sản phẩm. Calo sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều hơn lượng calo cơ thể cần có thể sẽ tạo ra các nguy cơ sức khỏe như béo phì và các bệnh tim mạch.

Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị: bất kỳ sản phẩm nào chứa nhiều hơn 400 calo một khẩu phần sẽ được xếp vào loại "cao". Một sản phẩm chứa khoảng 100 calo một khẩu phần được coi là trung bình và một sản phẩm chứa 40 calo/khẩu phần được coi là thấp (low- calories).

Bao nhiêu chất béo là đủ?

Nhãn dinh dưỡng sản phẩm chứa các thông tin rất giá trị về lượng calo mà thành phần chất béo trong sản phẩm cung cấp. Bạn sẽ thấy thành phần chất béo của sản phẩm được chia ra thành tổng lượng chất béo (total fat), trans fat và chất béo bão hòa (saturated fat).

Theo Tổ chức FDA, chất béo bão hòa và trans fat sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, gây ra các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), chất béo không bão hòa như chất béo có trong cá, các loại hạt và quả bơ, có thể cải thiện sức khỏe của bạn.

Các chất cần được hạn chế: Cholesterol và muối

Tổ chức FDA khuyến nghị hạn chế tiêu thụ cholesterol và muối. Ăn quá nhiều những chất này có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh tim mạch và thậm chí là một số loại ung thư. Tổ chức AHA cũng báo cáo lại rằng lượng muối trung bình một người Mỹ tiêu thụ nhiều hơn gấp 2 lần so với lượng muối cần thiết để có sức khỏe tốt.

Các chỉ số dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm nói lên điều gì? - Ảnh 1.

Ăn thêm nhiều: Chất xơ, vitamin và chất khoáng

Tổ chức FDA chỉ ra rằng, đa số người dân không ăn đủ lượng chất xơ, vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Thành phần vitamin thường được liệt kê dưới dạng phần trăm ở phía cuối nhãn sản phẩm. Vitamin A, vitamin C, canxi và sắt là những chất dinh dưỡng mà đa số mọi người đều cần được bổ sung trong bữa ăn hàng ngày. Canxi, có thể làm giảm nguy cơ loãng xương và chất xơ có thể làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch.

Hạn chế lượng đường

Nhãn sản phẩm cũng sẽ cho bạn biết về các chất dinh dưỡng khác, bao gồm cả đường và carbohydrate. Tuy nhiên, bạn cũng phải tìm hiểu xem mỗi sản phẩm chứa bao nhiêu đường.

Đường hay "sugar" trên nhãn sản phẩm bao gồm cả đường tự nhiên và đường được thêm vào sản phẩm. Mỗi gam đường cung cấp khoảng 4 calo. Bởi vậy, nếu một sản phẩn chứa 15 gam đường cho một khẩu phẩn, thì sẽ cung cấp cho bạn khoảng 60 calo với riêng thành phần đường.

% Giá trị dinh dưỡng là gì?

% giá trị dinh dưỡng còn được biết đến là % Daily Value (viết tắt là % DV). Thông tin này sẽ cho bạn biết được tỷ lệ phần trăm một chất dinh dưỡng chứa trong một khẩu phần. Số phần trăm này dựa trên lượng dinh dưỡng khuyến nghị cho một người trong một ngày.

Nếu bạn muốn ăn ít một loại chất dinh dưỡng nhất định (như chất béo bão hòa hoặc muối), tổ chức AHA khuyến nghị rằng bạn nên chọn các loại thực phẩm chứa %DV của chất đó thấp (dưới 5%).

Khi bạn biết cách đọc và hiểu rõ nhãn dinh dưỡng sản phẩm, bạn có thể đưa ra các lựa chọn về thực phẩm an toàn hơn cho bản thân và gia đình. Tăng cường kỹ năng đọc nhãn sản phẩm sẽ giúp bạn tự tin hơn, ra quyết định nhanh hơn khi lựa chọn thực phẩm. Biết cách để chọn các sản phẩm chứa ít calo, ít chất béo và nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng là một sự nỗ lực rất đáng để thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục