Các thuốc gây độc cho gan

ThS. Nguyễn Thu Hiền (tổng hợp), icon
09:48 ngày 25/01/2013

Có nhiều mức độ tổn thương gan do tác dụng phụ của thuốc. Những thuốc thường gây tổn thương gan như: thuốc điều trị lao, thuốc trị tiểu đường, thuốc điều trị nấm… Những bệnh nhân có sẵn bệnh gan mạn tính dễ bị ngộ độc thuốc hơn bệnh nhân gan bình thường.

Phân loại gan bị tổn thương do thuốc

Tổn thương gan do thuốc có thể phân loại: tổn thương tế bào gan, tổn thương đường mật hoặc tổn thương phối hợp cả hai. Có nhiều loại thuốc không chỉ gây tổn thương đơn độc mà gây tổn thương phối hợp. Tổn thương gan do thuốc thường có đặc điểm giống bệnh lý tự miễn.




Gan dễ bị tổn thương khi dùng thuốc.

Chẩn đoán tổn thương gan do một loại thuốc nào đó gây ra thường dựa trên hoàn cảnh bệnh và sự nghi ngờ của thầy thuốc nhận thấy rằng thời điểm khởi phát tổn thương gan liên quan đến loại thuốc đang sử dụng mà thuốc này có khả năng gây độc cho gan. Giải quyết biểu hiện của tổn thương gan thường là ngưng dùng thuốc gây độc gan. Đánh giá mô học của gan để biết mức độ tổn thương gan và tổn thương loại gì.

Yếu tố ảnh hưởng: tuổi, giới tính, liều lượng và thời gian dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, sự sử dụng cùng lúc nhiều thuốc, uống rượu, dạng trình bày của thuốc và yếu tố di truyền.

Một số thuốc đặc biệt

Acetaminophen: Thuốc gây độc cho gan tùy theo liều sử dụng. Khi điều trị cần chú ý xem xét liều lượng gây độc cho gan. Với liều nhỏ hơn 2-3g/ngày acetaminophen thấy an toàn và bệnh nhân chịu đựng được. Khi dùng đường uống với liều lớn hơn 10-15g sẽ đưa đến tổn thương gan nặng thường gây tử vong. Tổn thương gan do acetaminophen là dạng phổ biến của bệnh gan do thuốc, đặc biệt hơn là dạng suy gan cấp. Nồng độ men gan transaminase ở bệnh nhân ngộ độc acetaminophen thường lớn hơn 5.000 UI/l.

Ở người nghiện rượu, liều acetaminophen thông thường điều trị vẫn có thể gây độc cho gan, vì vậy phải cẩn thận khi dùng acetaminophen cho người nghiện rượu, không dùng nước uống có cồn để uống acetaminophen.

Isoniazide (INH): Từ giữa thế kỷ 20, INH là thuốc điều trị chính cho bệnh lao. Sự tăng men gan thấy xuất hiện vài tuần sau khi bắt đầu điều trị lao khoảng 10-20% bệnh nhân dùng INH. Sự tăng men gan này thường ở mức vừa phải và không liên quan đến dấu hiệu hay triệu chứng bệnh gan. Ở nhiều bệnh nhân tăng men gan tiếp tục dùng INH vẫn chịu đựng được và có thể sau đó men gan lại trở về gần bình thường. Nếu có tăng men gan, ngưng dùng INH thì men gan trở về bình thường trong vòng 1- 4 tuần. Tuy nhiên vẫn có một số ít bệnh nhân khi dùng INH có thể suy gan cấp.

Bệnh nhân lớn hơn 50 tuổi có nhiều nguy cơ bị viêm gan khi dùng INH, bệnh nhân trẻ em ít khi có tổn thương gan xảy ra. Bệnh nhân nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam. Khi điều trị nên theo dõi kỹ để phát hiện viêm gan do INH để ngưng điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng nặng cho gan. Nguy cơ ngộ độc INH càng tăng ở bệnh nhân nghiện rượu.

Hợp chất thuốc có từ cây cỏ và vitamin A: Nhiều sản phẩm thuốc từ cây cỏ có thể gây độc cho gan vì sự chế biến thường không theo một tiêu chuẩn nào cả.

Kava – kava: Kava là cây cùng dòng họ với cây tiêu. Từ nhiều thế kỷ qua thường được dùng làm nước uống để điều trị lo lắng, mất ngủ và những triệu chứng tiền mãn kinh ở dân vùng đảo Nam Thái Bình Dương. Những năm gần đây, Kava được dùng ở châu Âu và Mỹ. Nhiều trường hợp suy gan cấp và đưa đến tử vong do kava đã xảy ra. Nhiều sản phẩm chiết xuất từ kava bày bán trên thị trường gây tổn thương gan. Độc cho gan có thể do phương pháp chiết xuất kava từ rễ của cây. Theo cổ điển, chiết xuất được làm bằng cách ngâm rễ cây vào nước và hòa tan với sữa dừa. Ngày nay, người ta dùng ethanol hay acetone để pha chế nên gây độc cho gan.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gan thường xuất hiện trong vòng vài tuần đến 4 tháng sau khi bắt đầu dùng kava. Ở nhiều bệnh nhân chỉ có duy nhất dấu hiệu tăng men gan. Tuy nhiên, ở vài bệnh nhân suy gan cấp, tử vong có thể xảy ra.

Vitamin A: Uống vitamin A quá nhiều là nguyên nhân gây ngộ độc gan phụ thuộc vào liều lượng có thể đưa đến xơ gan cổ trướng và tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Uống thường xuyên liều lớn vitamin A (>25.000 đơn vị /ngày) có thể gây ngộ độc mạn tính và tổn thương gan. Tổn thương gan có thể xảy ra khi uống 15.000-40.000 đơn vị/ngày trong một năm, nhưng liều cao hơn có thể ngộ độc trong vài tháng. Tổn thương gan nhiều hay ít tùy thuộc liều lượng và thời gian sử dụng. Nhiều bệnh nhân có bệnh gan do vitamin A gây ra có khi không nhận thấy, chỉ khi bác sĩ lâm sàng thấy có hiện tượng bệnh nhân dùng vitamin A kéo dài kèm viêm gan mỡ, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Người nghiện rượu nguy cơ càng cao. Hình ảnh lâm sàng của bệnh là khởi phát của xơ gan cổ trướng, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, giãn tĩnh mạch thực quản.

Tổn thương gan do thuốc trị HIV, VGB, VGC:

Rất khó biết trước được và rất khó đối phó với những độc tính do thuốc gây độc cho gan ở bệnh nhân HIV trải qua quá trình điều trị bệnh. Những bệnh nhân này thường liên quan bệnh gan do rượu, gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn tính B, C và bệnh gan do độc tính thuốc điều trị. Có ba loại thuốc điều trị HIV: Pis, NRTIs, NNRTIs đều gây độc gan. Tình huống càng khó khăn phức tạp khi phải điều trị kèm viêm gan B, C. Tuy nhiên, việc điều trị cần thiết để tránh cho bệnh nhân không tử vong do xơ gan.

Bệnh nhân nhiễm HIV có nhiễm HCV dễ ngộ độc gan do thuốc, bệnh nhân nhiễm HCV có nhiễm HIV càng thúc đẩy HCV phát triển và dễ xơ gan, bệnh nhân dễ bị xơ gan hơn nhiễm HCV một mình. Những bệnh nhân này rất dễ ngộ độc thuốc chẳng hạn acetaminophen… và khi dùng rượu rất dễ ngộ độc, dễ đưa đến xơ gan và tử vong.

Cùng chuyên mục